Cần tuân thủ kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm

Bộ NN-PTNT cho biết, giữa tháng 8, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra thực địa về dừa tươi Việt Nam để xem xét cho phép xuất khẩu chính ngạch sang nước này.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra thực địa các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu để đánh giá, phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi, từ đó làm căn cứ cho việc kí Nghị định thư.

Hiện nay, Trung Quốc tiêu thụ dừa rất lớn, trong khi khả năng cung ứng trong nước chỉ 10%. Chính vì thế khi Trung Quốc mở cửa cho trái dừa Việt Nam đây sẽ là cơ hội cho các địa phương, nhất là ĐBSCL như Trà Vinh hay Bến Tre.

Chính vì thế, thông tin Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam được nhiều nhà vườn và các địa phương trong tỉnh đón nhận một cách tích cực và đầy phấn khởi.

Hiện Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới. Diện tích trồng dừa vào khoảng 188.000 ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Chỉ riêng 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng diện tích đã vượt 130.000 ha.

Thời gian qua, các địa phương khu vực ĐBSCL đã tập huấn, hướng dẫn bà con canh tác dừa theo tiêu chuẩn Gap, Global Gap, hữu cơ… Đây là điều kiện để dừa có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu…

Và khi Trung Quốc đồng ý xuất khẩu chính ngạch, sản phẩm lợi thế sẽ càng rộng đường xuất khẩu hơn. Tuy nhiên, việc tuân thủ những qui định, tiêu chuẩn là điều không thể bỏ qua.

(Ảnh minh họa)
Hiện Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới (Ảnh minh họa)

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT cho biết: "Phải tuân thủ kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Về kiểm dịch thực vật phải chú ý không có 9 dịch hại mà Trung Quốc quan tâm, gồm 5 loài rệp, 1 loài mối, 1 loài bọ cánh cứng hại dừa và 2 loại cỏ. Còn với an toàn thực phẩm thì hướng dẫn bà con quản lý dịch hại, dùng thuốc không để lại dư lương và ghi chép sổ sách để truy xuất nguồn gốc khi cần thiết".

Theo Cục Bảo vệ thực vật, đã có 55 lớp tập huấn về quy định kiểm dịch thực vật, với gần 5.000 cán bộ kỹ thuật được tổ chức. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt, để các địa phương tuyên truyền về qui định kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như các qui trình canh tác, quản lý dịch hại đến với bà con nông dân và doanh nghiệp.

Dừa tươi sẵn sàng được xuất khẩu

 Từ khi nhận thông tin Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam, Công ty Xuất nhập khẩu Mekong đã điều chỉnh, bổ sung quy trình tại nhà đóng gói. Trái dừa tươi từ vùng nguyên liệu sẽ phải trải qua 5 bước, trước khi đóng gói thành phẩm để xuất khẩu.

Ông Bùi Dương Thuật - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Mekong cho biết: "Lâu nay sản xuất thì quy trình cũng tương đương với các yêu cầu của đối tác Trung Quốc, nên tôi nghĩ câu chuyện xây dựng mã số nhà máy cũng không đến nỗi khó khăn. Tuy nhiên cũng có một số điều chỉnh cho nó phù hợp với yêu cầu của Trung Quốc".

Còn với Công ty TNHH MTV Dừa Hào Quang, do đã có kinh nghiệm xuất khẩu dừa tươi sang châu Âu nên không quá khó để đáp ứng các yêu cầu về vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói từ phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị trường tỷ dân cũng có nhiều phân khúc để các doanh nghiệp có thể khai thác tối đa lợi thế.

Hiện các địa phương trồng dừa đang rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm. Để xuất khẩu dừa sang Trung Quốc thuận lợi, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nông trại dừa hữu cơ. Chỉ riêng Bến Tre đã có hơn 7.000 ha dừa đạt chứng nhận này. Năm 2023, ngành dừa phấn đấu xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 1 tỷ USD.

Hồng Nhung (T/h)