Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm số lượng lớn trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP, nhưng cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước dịch bệnh Covid-19. Do đó, DNNVV rất cần sự trợ giúp nhằm nhanh chóng trở lại trạng thái “bình thường mới”, xây dựng kế hoạch vừa chống dịch, vừa yên tâm sản xuất, kinh doanh. Không chỉ là vốn, lãi suất, mà các chính sách vĩ mô khác, trong đó có thu hút đầu tư, phát triển thị trường vốn, chính sách về thuế, phí… sẽ hỗ trợ DNNVV vượt qua khó khăn, hồi phục và phát triển.

Tháng 04/2022 cũng đánh dấu kỷ lục khi trở thành tháng có số lượng DN thành lập mới cao nhất từ trước đến nay, với 15.001 DN. Con số này cao hơn mức trung bình 13.043 DN thành lập mới trong tháng Tư của giai đoạn 2017 – 2021. Số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong tháng 04/2022 là 104.757 người, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng Tư cũng ghi nhận 7.034 DN quay trở lại hoạt động, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Một tín hiệu đáng mừng nữa của nền kinh tế là chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý I/2022 đã đạt 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm so với quý IV/2021. Đây cũng là mức cao nhất kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Đà tăng này được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Hơn 2/3 số DN được hỏi tin rằng, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng ổn định và cải thiện trong quý II/2022; gần 66% số người tham gia khảo sát kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trong quý II của năm, so với 52% của quý trước.

Tương tự, hơn 46% số người được hỏi dự đoán số lượng nhân viên sẽ tăng trong quý tới. Đây là kết quả tích cực cho thấy hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

“Nhờ có chính sách của Chính phủ, DN được gia hạn, miễn giảm tiền thuế thu nhập DN, tiền thuế đất trong kỳ quyết toán thuế. Đây là sự hỗ trợ kịp thời, rất quan trọng và có ý nghĩa với DN, giúp DN có nguồn lực tài chính chi trả các chi phí sản xuất, đặc biệt là chi trả đều đặn tiền lương cho lao động cũng như các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong đợt dịch vừa qua”- Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh Lê Phước Khánh Tường bày tỏ.

Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm, cộng đồng DN đang quen dần với trạng thái bình thường mới. Các nguồn nguyên liệu, thị trường cũng được kết nối sau thời gian gián đoạn và nhiều đơn vị đã phục hồi rõ nét. Hiện tại nhiều đơn vị đã có đơn hàng đến hết quý III/2022.

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNVVN Việt Nam Tô Hoài Nam đánh giá, Quốc hội có Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có những chính sách thiết thực như hỗ trợ tiền thuê nhà 03 tháng, tiền quay trở lại thị trường lao động với công nhân, hỗ trợ lãi suất DN… đã tạo điều kiện cho phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Các chính sách, chương trình hỗ trợ được ban hành rất kịp thời, phù hợp, như một cánh cửa mở ra cho DN. Đồng thời tạo cơ hội việc làm trở lại cho người dân, tạo đà sản xuất, cung ứng sản phẩm và từng bước giúp Việt Nam khôi phục nền kinh tế.

Về phía ngành Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) luôn quán triệt, chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng tập trung các nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ các DNNVV.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Thời gian qua, NHNN đã hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD theo hướng tăng cường thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm của TCTD trong việc cho vay đối với doanh nghiệp, người dân theo quy định của Luật Các TCTD; ban hành Thông tư số 45/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 hướng dẫn các TCTD trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022  của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, qua đó đã cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ để khẩn trương đưa chính sách đi vào cuộc sống. Trong đó, gói hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng là một trong những cấu phần quan trọng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, được kỳ vọng có thể thúc đẩy sản xuất, kinh doanh khi chi phí vốn giảm xuống, nhất là khi các hoạt động kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh ngày càng trở nên cấp thiết.

Giới chuyên gia cho rằng, để gói hỗ trợ lãi suất đến đúng đối tượng và hạn chế tối đa các rủi ro, cần sự phối hợp rất chặt chẽ giữa NHNN với các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với quy định đối tượng doanh nghiệp thụ hưởng. Cần phải quy định rất rõ trách nhiệm của mỗi bên và có phương án phù hợp, để làm sao đối tượng được hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực có khả năng phục hồi theo như Nghị quyết đã đề cập. Hiện nay, NHNN đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Thực tế, ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ cộng sinh. Doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng khỏe, doanh nghiệp yếu thì ngân hàng cũng khó khăn. Tinh thần đồng hành và chia sẻ là rất quan trọng. Vì vậy, dòng vốn tín dụng dứt khoát phải đảm bảo tiếp sức nhanh và kịp thời cho các doanh nghiệp có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Để làm được điều này cần có quy trình, quy chế minh bạch, đề cao trách nhiệm của hai bên, cần có sự trợ giúp, giám sát, thúc đẩy của các hiệp hội và các tổ chức liên quan. Các hiệp hội ngành nghề nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của mình để làm cầu nối cho các DNNVV tiếp cận với các TCTD; hỗ trợ cho các hội viên về thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp thành viên.

Hoàng Thăng (t/h)