Cụ thể, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, cùng một lượng Euro thu về số tiền quy đổi ra nội tệ ít hơn nên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ EU chi phí sẽ rẻ hơn nên việc nhập khẩu sẽ có lợi hơn.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Về lâu dài, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Trần Thanh Hải, những khó khăn, thách thức này đã được Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định từ đầu năm khi đánh giá về cơ hội và thách thức đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp; trong đó, đặc biệt là thúc đẩy tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đang tiếp tục được giảm thuế theo lộ trình cam kết...

Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính (Hà Nội) nhận định, khi đồng euro giảm xuống, các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Châu Âu sẽ gặp bất lợi nhiều hơn thuận lợi.

“Khi đồng euro có giá thì chúng ta bán một sản phẩm được 5 Euro, tương đương với hơn 6 USD. Nhưng khi Euro mất giá, sản phẩm bán được 5 Euro thì chỉ tương đương 5 USD. Như vậy, sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu bị mất giá so với giá trị thực. Đi kèm đó là khả năng mua hàng quốc tế sẽ bị yếu đi, ảnh hưởng đến đầu vào của doanh nghiệp”, ông Thịnh dẫn giải.

Đại diện nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam cũng cho rằng việc đồng Euro liên tiếp giảm và lần đầu tiên sau 20 năm ngang bằng USD sẽ ảnh hưởng ngay đến những đơn hàng đã được ký kết.

Trong khi đó, ông Mai Xuân Thìn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ (TP.HCM) lại lạc quan cho rằng, biến động tỷ giá giữa đồng Euro, USD hay bất cứ ngoại tệ nào khác trên thế giới là điều hết sức bình thường, thậm chí về cơ bản sẽ đem lại lợi ích cho hoạt động kinh doanh, buôn bán và xuất nhập khẩu, phần nào ngăn chặn, hạn chế lạm phát.

Tuy vậy ông Thìn thừa nhận, ngoài những thuận lợi thì cũng có những khó khăn nhất định.

"Làm kinh doanh khó tránh khỏi những rủi ro cả về khách quan và chủ quan, trong đó có biến động về tỷ giá của các đồng tiền mà doanh nghiệp không thể kiểm soát được. Việc lên xuống trong tỷ giá hối đoái giữa hai ngoại tệ lớn là đồng euro và USD không phải hiếm, nhưng bất cứ thay đổi nào của nó cũng đều dẫn tới những xáo trộn trong đầu tư, thương mại quốc tế. Khi tỷ giá đồng tiền thay đổi thì doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh giá cả hàng hóa cho phù hợp”, ông Thìn nói thêm.

Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean - phân tích: "Ảnh hưởng trước mắt với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may chính là giá trị sụt giảm. Theo đó, tất cả các khách hàng tại Châu Âu đều thanh toán bằng đồng euro và doanh nghiệp Việt nhận tiền về nước đều phải đổi qua đô la Mỹ (USD). Nay đồng Euro giảm gần bằng với đồng đô la Mỹ sẽ đồng nghĩa với việc giá trị xuất khẩu của mỗi lô hàng giảm theo. Trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp vốn đang thấp bởi các chi phí đầu vào như xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào, giá nhân công… đều tăng, nay thêm giá Euro lao dốc sẽ càng kéo lợi nhuận giảm thấp hơn.

Bên cạnh đó, việc đồng Euro mất giá chứng tỏ thị trường Châu Âu đang bất ổn, sức mua của người tiêu dùng giảm. Bằng chứng là thời gian qua chúng tôi không có nhiều đơn hàng mới. Tuy vậy, hiện doanh nghiệp vẫn đang vận hành đều đặn nên số lượng hàng tồn kho theo đó sẽ nhiều lên, gây bất lợi cho doanh nghiệp".

Lê Pháp (T/h)