Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Độc đáo tết nhảy của người Dao tại xứ Thanh

Tết nhảy của người Dao Thanh Hóa là một mảng màu tươi đậm hòa cùng với Tết nhảy của đồng bào Dao ở các địa phương trong cả nước. Đó là loại hình nghệ thuật tích hợp nhiều thành tố của văn hóa dân gian như: nghệ thuật múa, nghệ thuật âm nhạc, ngôn ngữ, trang trí, tạo hình, cách thêu thùa, may mặc, văn hóa ẩm thực... được phô diễn phong phú và đặc sắc.

Thực hành Tết nhảy của người Dao thôn Tân Thành, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc).
Thực hành Tết nhảy của người Dao thôn Tân Thành, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc)

Cư trú cùng với đồng bào các dân tộc Mường, Thổ, Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú ở vùng miền đồi núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, từ bao đời nay, người Dao có hai ngành chính là Dao quần chẹt và Dao đỏ gồm 7.382 người, sinh sống ở các huyện Mường Lát, Ngọc Lặc và Cẩm Thủy.

Trong đó người Dao quần chẹt có 6.748 người sống tập trung ở 10 làng (Cẩm Thủy 7 làng và Ngọc Lặc 3 làng). Đồng bào Dao chỉ chiếm gần 3%, so với hơn 1 triệu người sinh sống trên địa bàn miền núi Thanh Hóa, nhưng sắc thái văn hóa và phong tục tập quán phong phú, độc đáo vẫn được đồng bào Dao trân quý, thực hành, trao truyền và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống, trong đó Tết nhảy là một trong những sắc thái văn hóa đặc sắc.

Người Dao thiên di từ Trung Quốc đến Việt Nam cách đây khoảng trên dưới 700 năm và từ Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình vào Thanh Hóa hơn 100 năm trở lại đây. Theo sách Sử Dung, cộng đồng, tông tộc của người Dao đầu tiên cử hai người đi trước sang Việt Nam, sau đó trở về đóng 7 chiếc thuyền vượt biển Đông chở những người Dao cập đất liền.

Trong cuộc hành trình trên biển, đoàn thuyền của họ gặp phải mưa to, gió lớn. Một số thuyền bị sóng biển nhấn chìm, những thuyền còn lại cũng bị bão gió cuốn trôi, phiêu dạt. Hai ông Tặng Xị và Phiềng Tặng Ụi cầu khấn đất trời, long vương giúp đỡ cho đoàn người thoát khỏi hiểm nguy cập được bến bờ. Nếu điều nguyện ước trở thành hiện thực thì sau này khi lập làng, lập xóm, người Dao sẽ làm Tết nhảy để tạ ơn các vị thần linh.

Tết nhảy ra đời từ đó, đời tiếp đời được người Dao duy trì và phát triển. Liên quan tới sự kiện này, về sau còn có những truyền thuyết phản ánh cuộc thiên di đầy gian nan của những người Dao đặt chân tới miền đất mới.

Trong cuộc đời mỗi người đàn ông người Dao quần chẹt Ngọc Lặc và Cẩm Thủy thông thường họ đều trải qua từ một tới ba lần Tết nhảy để tạ ơn trời, đất, long vương, thánh thần và tổ tiên đã giúp đỡ và phù trợ có cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Tết nhảy còn là dịp để cúng tổ trạch, táo quân, cầu mưa, cầu mùa, cầu bình an, hạnh phúc. Tết nhảy tổ chức vào hai tháng cuối năm âm lịch, khi hoa đào, hoa mơ chúm chím những nụ xuân thì cũng là lúc khắp các bản làng người Dao lại rộn ràng tổ chức Tết nhảy thâu đêm suốt sáng trong thời gian ba ngày đêm với nhiều nghi thức dâng lễ Bàn Vương, tổ tiên, ông, bà, cha mẹ đã khuất và cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, cuộc sống yên lành.

Tết nhảy mặc dù chỉ được tổ chức trong các gia đình, dòng họ nhưng lại là ngày hội của cả cộng đồng. Để tổ chức Tết nhảy, gia đình và dòng họ phải có bàn thờ tổ và sắm đủ bộ tranh Đại đường - tranh thờ dân gian mang đậm màu sắc tôn giáo của người Dao. Bộ tranh này gồm 15 bức tranh vẽ các vị thần thánh được người Dao cho là tổ tiên của họ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Để bộ tranh Đại đường trở nên thiêng liêng và có sức mạnh bảo hộ cuộc sống yên bình cho mỗi gia đình, dòng họ, người Dao tổ chức lễ khai quang tranh thờ bằng Tết nhảy. Lễ thức này cũng chính là việc “luyện âm binh” hay “Khao quân Tam Thanh” để các vị thần có đầy đủ binh lính tinh nhuệ và sức mạnh phù hộ, giúp đỡ cho con cháu trong họ, ngoài làng. Mỗi dòng họ tổ chức Tết nhảy có chu kỳ khác nhau và việc tổ chức Tết nhảy phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và từng dòng họ. Họ Phùng ở Cẩm Châu, Cẩm Thủy cứ 14 năm tổ chức Tết nhảy một lần. Thời gian này với họ Bàn và họ Dương ở Hạ Sơn, Ngọc Lặc là 15 năm, họ Triệu nhỏ 12 năm.

Việc chuẩn bị cho Tết nhảy phải thật chu đáo. Tùy theo điều kiện và mối quan hệ của gia đình mà lượng khách mời cũng được cân nhắc. Các nghi thức lễ có cúng Tết Nguyên đán; cúng chuyển tiếp (cúng từ Tết Nguyên đán sang Tết nhảy); khai đàn. Lễ vật dâng cúng gồm: 5 con lợn, mỗi con khoảng 50kg cùng với xôi, gà, rượu, gạo; hương, hoa, đèn nến, quả, bánh giầy, rượu, nước, tiền âm, giấy sớ, cờ phướn, gươm đao, mái chèo gỗ... được bày đặt chu đáo. Chủ trì chính trong Tết nhảy do thầy cúng và đội múa đảm nhiệm. Thầy cúng gồm 2 người được gọi là thầy cả và thầy hai. Trước khi vào cuộc múa, các thầy cúng mời Bàn Vương, 12 vị thần: Hương Hỏa, Hạ Đàn, Trụ Trạch, Tam Thanh Đại Đường... và tổ tiên người Dao về dự lễ.

Trong không gian linh thiêng, trầm mặc, hòa với tiếng trống, tiếng kèn, tiếng chuông đồng vọng và điểm nhịp, lời khấn của thầy cúng như từ quá khứ vọng về, là sợi dây giao cảm nối quá khứ với hiện tại và tương lai, lắng sâu trong tâm thức những người dự lễ, làm cho không khí buổi lễ vừa thiêng liêng, vừa thân thiết và gần gũi giữa linh hồn những người đã khuất với cháu con và họ hàng dòng tộc tụ họp trong những ngày lễ trọng này. Dứt lời khấn, thầy cúng tung gạo, bắc cầu mời tổ tiên về dự. Những người phụ việc được chọn đứng thành vòng tròn giữa nhà tay rung chuông, chân nhún nhảy theo tiếng nhạc. Tất cả đều hướng mắt về phía thầy cúng và thực hiện theo các động tác của thần linh, tổ tiên ngầm mách bảo.

Nhảy múa chiếm phần lớn thời gian và không gian của Tết nhảy diễn ra liên tục hết lớp này đến lớp khác. Múa “chạy cờ” do hàng chục thanh niên cầm cờ, kiếm, xe... để mở đường. Các màn múa kiếm, múa dao “ra binh vào tướng” với những động tác khỏe khoắn, dũng mãnh nhưng uyển chuyển hòa theo nhịp trống, thanh la, não bạt thể hiện tinh thần thượng võ.

Trước đèn thờ cúng Bàn Vương, điệu múa rùa diễn ra với thầy cúng vừa múa vừa đi trước, theo sau là một tốp thanh niên 10 người nối tiếp nhau đảo xung quanh đèn cúng, vừa đi vừa diễn tả các động tác múa minh họa người đi tìm rùa, bắt rùa, trói rùa khiêng về nhà... để dâng cúng Bàn Vương và các vị thần thánh tổ tiên người Dao giữa những tiếng trống, tiếng thanh la, não bạt tạo nên không khí tưng bừng nhộn nhịp làm sôi động cả một vùng núi rừng trùng điệp trong những đêm Tết nhảy. Trong Tết nhảy, các điệu múa được diễn đi diễn lại nhiều lần, số lượng người múa càng đông, nhạc cụ càng nhiều thì Tết nhảy càng vui, không khí càng phấn khởi, tươi vui, đầm ấm.

Đêm cuối của Tết nhảy, điệu múa chiêu binh cho đến khi “đủ quân, đủ tướng” thì kết thúc, mời thần thánh, tổ tiên nhận quân; chiêu lúa gạo khao quân, múa tiễn các loại ôn dịch, rồi chia tiền, hóa tiền giấy, ngựa... Sau đó, thầy cúng làm lễ cầu mùa, cầu an lành, hạnh phúc cho gia đình và dân bản, cầu xin tổ tiên che chở cho gia đình, bản làng mạnh khỏe, làm ăn khấm khá. Cùng với các nội dung và nghi thức chính, trong Tết nhảy còn có một số lễ phụ như lễ treo tranh, hạ tranh và các nghi lễ liên quan.

Lễ tất, bữa cơm cuối cùng được dọn ra, chủ nhà và khách gần xa nâng ly rượu, cùng chúc cho nhau sức khỏe, hạnh phúc và cầu mong mọi điều tốt lành đến với mỗi người, mỗi nhà. Kết thúc Tết nhảy mọi người chia tay nhau trong niềm lưu luyến, hân hoan và hẹn ngày gặp lại vào những kỳ Tết nhảy lần sau.

Tết nhảy của người Dao Thanh Hóa là một mảng màu tươi đậm hòa cùng với Tết nhảy của đồng bào Dao ở các địa phương trong cả nước. Đó là loại hình nghệ thuật tích hợp nhiều thành tố của văn hóa dân gian như: nghệ thuật múa, nghệ thuật âm nhạc, ngôn ngữ, trang trí, tạo hình, cách thêu thùa, may mặc, văn hóa ẩm thực... được phô diễn phong phú và đặc sắc.

Tết nhảy bao hàm chứa các giá trị văn hóa dân gian độc đáo, có tác dụng thắt chặt mối dây đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau, chung xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ người Dao hôm nay và mai sau cần phải được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống.

An Nhiên

Bài liên quan

Tin mới

Hà Nội tạm giữ hàng trăm hộp kẹo không rõ nguồn gốc
Hà Nội tạm giữ hàng trăm hộp kẹo không rõ nguồn gốc

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội vừa kiểm tra, tạm giữ hàng trăm hộp kẹo có xuất xứ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Sắp có hàng loạt quy định mới với thị trường chứng khoán
Sắp có hàng loạt quy định mới với thị trường chứng khoán

Bộ Tài chính vừa chủ trì Hội nghị thảo luận về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Trường Sa hướng về một nhân cách lớn
Trường Sa hướng về một nhân cách lớn

Được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, quân dân huyện đảo Trường Sa bàng hoàng, xúc động; tiếc thương nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc mà bình dị, trọn đời vì nước, vì dân. Biến đau thương thành hành động, quân dân Trường Sa nguyện đem hết sức mình xây dựng huyện Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nghẹn ngào đưa tiễn nhà lãnh đạo đáng kính của Nhân dân
Nghẹn ngào đưa tiễn nhà lãnh đạo đáng kính của Nhân dân

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng tình cảm của nhân dân với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là thước đo công bằng và chuẩn mực nhất.

Bắc Giang sắp đấu giá 56 lô đất, tổng giá khởi điểm hơn 100 tỷ đồng
Bắc Giang sắp đấu giá 56 lô đất, tổng giá khởi điểm hơn 100 tỷ đồng

Trong tháng Tám, tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 56 lô đất trên địa bàn.

Long An đấu thầu tìm nhà đầu tư cho dự án hơn 11.000 tỷ đồng.
Long An đấu thầu tìm nhà đầu tư cho dự án hơn 11.000 tỷ đồng.

Dự án có diện tích gần 215 ha. Quy mô dân số khoảng 30.681 người. Tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.