Nắm bắt sớm, kịp thời hóa giải mâu thuẫn

Theo tổng hợp của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bắc Giang, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ ngừng việc tập thể, giảm 50% số vụ so với giai đoạn trước. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ có 1 vụ ngừng việc tập thể tại DN ở huyện Hiệp Hòa.

Theo ông Nguyễn Khắc Điều, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh), đây là kết quả tích cực từ sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật lao động của DN. Tuy nhiên, nguy cơ tranh chấp lao động, dẫn tới ngừng việc tập thể thường phát sinh vào dịp cuối năm khi DN và NLĐ bất đồng về vấn đề lương, thưởng Tết.

Đại diện lãnh đạo LĐLĐ huyện Tân Yên, CĐCS Công ty TNHH Tere Tech Việt Nam - chi nhánh Bắc Giang (thị trấn Cao Thượng) trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ.
Đại diện lãnh đạo LĐLĐ huyện Tân Yên, CĐCS Công ty TNHH Tere Tech Việt Nam - chi nhánh Bắc Giang (thị trấn Cao Thượng) trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ.

Vì vậy, từ cuối tháng 10 hằng năm, Ban đã tham mưu LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai đến các cấp công đoàn về chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ. Trong đó, tập trung đối thoại, nắm bắt tình hình lương, thưởng Tết ở các DN, nhất là những DN sử dụng nhiều lao động; kiến nghị với chủ sử dụng lao động dành kinh phí hỗ trợ, tạo động lực làm việc, duy trì quan hệ lao động hài hòa. “Đối thoại là kênh thông tin quan trọng để công đoàn lắng nghe, chia sẻ, đề xuất lãnh đạo DN kịp thời giải đáp, điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp để hóa giải mâu thuẫn, tranh chấp ngay khi phát sinh”, ông Điều nhấn mạnh.

Là DN 100% vốn Hàn Quốc, tại Công ty TNHH SungWoo Vina (KCN Đình Trám) đã từng 2 lần xảy ra ngừng việc tập thể (năm 2009, 2011). Quán triệt chỉ đạo, hướng dẫn của công đoàn cấp trên, Ban Chấp hành công đoàn công ty đã xây dựng kế hoạch đối thoại. Với số lượng gần 400 công nhân, công đoàn thực hiện đối thoại 3 tháng một lần, mời đại diện lãnh đạo công ty gặp gỡ trực tiếp NLĐ. Cùng đó, việc tiếp thu ý kiến của NLĐ được duy trì hằng ngày thông qua hòm thư góp ý và nhóm zalo của mỗi tổ, bộ phận sản xuất.

Chị Lê Thị Hương (SN 1991), công nhân tổ may 7 chia sẻ: “Các cuộc đối thoại có sự tham gia của ban giám đốc nên hầu hết ý kiến của công nhân đều được tiếp thu, giải quyết nhanh chóng. Nhờ vậy, đoàn viên yên tâm gắn bó lâu dài với DN”. Hiện thu nhập bình quân của công nhân đạt 9 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, ngoài lương cơ bản, mỗi tháng, NLĐ còn được hưởng nhiều khoản phụ cấp như: Ăn ca, nhà ở, đi lại, chuyên cần, vượt năng suất, thâm niên…

Với khoảng 4 nghìn công nhân, để nắm bắt sớm, kịp thời hóa giải mâu thuẫn, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (Lạng Giang) thành lập các tổ “công nhân nòng cốt” tương ứng với từng tổ sản xuất. Theo anh Lê Xuân Thuần, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty, với thành viên là những đoàn viên nhiệt tình, trách nhiệm, công đoàn có được những “tai mắt” để nắm bắt nhanh dư luận trong công nhân. Trên cơ sở đó thông tin đến CĐCS để kiến nghị tới lãnh đạo DN. Đồng thời tích cực phổ biến chính sách pháp luật, giúp NLĐ ổn định tư tưởng, yên tâm làm việc.

Nâng cao năng lực cán bộ Công đoàn cơ sở

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1,9 nghìn Công đoàn cơ sở (CĐCS) với hơn 293,9 nghìn đoàn viên công đoàn; trong đó có 711 CĐCS trong doanh nghiệp (DN), thu hút hơn 260 nghìn đoàn viên. Với sự chỉ đạo sát sao của công đoàn các cấp, quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ cơ bản được bảo đảm; thu nhập, đời sống của đoàn viên được nâng lên đáng kể. Đóng góp vào kết quả này có vai trò của cán bộ CĐCS trong tham mưu, đề xuất duy trì hoạt động đối thoại tại nơi làm việc. Tại nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài với số lượng lớn công nhân, cán bộ công đoàn đã phát huy năng lực, trở thành cầu nối giữa chủ sử dụng lao động và công nhân.

Có thâm niên 8 năm tham gia công tác công đoàn, chị Trần Thị Chi, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Newwing Interconnect Technology Bắc Giang (KCN Vân Trung) luôn phát huy vai trò cầu nối, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa DN và NLĐ. DN có gần 30 nghìn công nhân, chị Chi đã ứng dụng công nghệ thông tin để nắm bắt nhanh tình hình, kịp thời tiếp thu ý kiến của NLĐ. Trước mỗi vấn đề được đưa ra lấy ý kiến, công nhân sử dụng mã QR để lựa chọn phương án.

Lãnh đạo LĐLĐ huyện Yên Dũng và và Công ty cùng dự bữa cơm công đoàn và động viên công nhân.
Lãnh đạo LĐLĐ huyện Yên Dũng và và Công ty cổ phần Xử lý tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình cùng dự bữa cơm công đoàn  động viên công nhân.

Sau khi tổng hợp, công đoàn đưa ra quyết định thuận theo số đông để đề xuất với chủ sử dụng lao động, đưa nội dung đã thống nhất vào thỏa ước lao động tập thể, làm căn cứ để công đoàn giám sát việc thực hiện của chủ sử dụng lao động. Bản thỏa ước đang áp dụng (có hiệu lực đến tháng 12/2026) có nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ như: Lao động nữ nghỉ thai sản khi trở lại làm việc được công ty hỗ trợ thêm 1 tháng lương cơ bản; người mang thai từ tháng thứ 7 được về sớm 1 giờ song vẫn hưởng nguyên lương.

Để nâng cao chất lượng đối thoại, hướng tới chăm lo tốt hơn đời sống đoàn viên thì năng lực của cán bộ CĐCS là yếu tố then chốt. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ cán bộ chuyên trách chưa đạt 1%. Trong DN, hầu hết cán bộ CĐCS hưởng lương của chủ sử dụng lao động, thường xuyên biến động nên việc tham mưu tổ chức hoạt động bị hạn chế; chưa mạnh dạn đứng về phía đoàn viên khi xảy ra tranh chấp lao động.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, đơn vị sẽ chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn, nhất là kỹ năng tổ chức phong trào, khẳng định vị thế, tạo niềm tin trong công nhân; tăng cường hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong đối thoại, nhân rộng những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Mỗi cán bộ công đoàn cần chủ động trau dồi kiến thức, kỹ năng để phát huy năng lực, trở thành cầu nối giúp giải quyết kịp thời, hạn chế mâu thuẫn phức tạp, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Bá Đoàn