Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), EVFTA đã tạo cơ hội để hàng hóa Việt Nam hạ giá thành khi xuất khẩu vào thị trường EU, nâng cao khả năng cạnh tranh với các mặt hàng chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, nhất là hàng hóa nông sản.

Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với trị giá nhập khẩu chiếm 8,4% tổng trị giá nhập khẩu hàng năm. Điều đó cho thấy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu nông sản vào thị trường EU vô cùng lớn.

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ

Theo đánh giá bước đầu, sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Điển hình, từ đầu tháng 8/2020 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, EVFTA thực thi, doanh nghiệp thủy sản đã có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU.

EU là thị trường quan trọng với thủy sản. Để tận dụng được lợi ích về thuế quan, các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.

Ở góc độ đại diện doanh nghiệp, phân tích sâu hơn về sự chuẩn bị của doanh nghiệp để tận dụng cơ hội từ EVFTA, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nhấn mạnh, Vasep đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương suốt 2 năm qua và kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp có thể nắm bắt được nhiều nhất có thể thông tin về EVFTA.

Sự chủ động của doanh nghiệp thủy sản được thấy khá rõ thông qua việc doanh nghiệp rất quan tâm về thông tin liên quan tới EVFTA.

Theo ông Nam, các chương trình Vasep phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tập huấn về EVFTA riêng cho lĩnh vực thủy sản, các doanh nghiệp hội viên Vasep đều có người tham dự trực tiếp, đưa ra nhiều vấn đề hỏi đáp.

Ông Nam cho rằng, với các FTA như EVFTA hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngoài về thuế có lợi thế, còn những chương khác đề cập đến vấn đề phát triển bền vững, về sở hữu trí tuệ, về kỹ thuật phi thuế quan… “Trong xu thế hiện nay khi thuế giảm xuống hoặc về 0% thì để thực hiện cam kết trong các vấn đề còn lại, Chính phủ và doanh nghiệp sẽ phải có chung quá trình nội luật hóa, có thêm năng lực để đáp ứng được những cam kết, đặc biệt vấn đề về bền vững, lao động, môi trường,... trong đó có cả câu chuyện về lao động trẻ em, lao động cưỡng bức...”, ông Nam nhấn mạnh.

Không ít chuyên gia và doanh nghiệp thủy sản cho rằng, thời gian tới để xuất khẩu tăng trưởng tốt hơn, mở rộng thị phần tại EU, việc quan trọng còn là Việt Nam phải cấp bách gỡ "thẻ vàng" chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Điều này sẽ giúp mở cánh cửa vào EU cho rất nhiều doanh nghiệp hiện chưa thể xuất khẩu vào thị trường này…

Mặt khác, hiện EU đã cấm sử dụng chất chống ô xi hóa để bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản. Đối với một số sản phẩm có nguồn gốc sinh vật gây bệnh nhất định, EU không cho phép nhập khẩu nhằm tránh việc nhiễm và lây lan sâu bệnh hại cho thực vật và sản phẩm thực vật. Điều kiện này đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc với sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía cơ quan chức năng.

Thanh Nguyễn