Sau khi bị tác động bởi những lời kêu gọi chấm dứt chính sách tăng lãi suất của Fed, chỉ số đồng đô la của Bloomberg đã giảm 3,4% trong năm nay, mức giảm hàng năm mạnh nhất đối với đồng đô la kể từ năm 2020.
Phần lớn sự sụt giảm đã xảy ra trong quý IV do ngày càng có nhiều người đặt cược rằng Fed sẽ nới lỏng chính sách mạnh mẽ vào năm tới khi nền kinh tế Mỹ chậm lại. Điều đó làm giảm sức hấp dẫn của đồng đô la vì các ngân hàng trung ương khác có thể giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Thị trường hoán đổi hiện đang tính đến việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 150 điểm cơ bản trong năm tới với lần cắt giảm đầu tiên sẽ diễn ra ngay sau tháng 3, tăng từ mức kỳ vọng dưới 100 điểm cơ bản vào giữa tháng 11 và gấp đôi những gì các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra trong cuộc họp gần đây nhất.
Amanda Sunstrom, chiến lược gia ngoại hối và thu nhập cố định tại SEB AB ở Stockholm cho biết: “Thị trường được định vị cho kịch bản Goldilocks này, trong đó Fed sẽ cắt giảm lãi suất đủ để kích thích nền kinh tế mà không gây ra áp lực lạm phát… Điều đó đang thúc đẩy hiệu suất của đồng đô la”.
Ông cho biết, đồng đô la yếu hơn có thể sẽ tiếp tục tồn tại vào năm 2024 khi dữ liệu của Mỹ suy yếu, nhưng không đủ để thúc đẩy nỗ lực giảm rủi ro đối với các tài sản trú ẩn an toàn như đồng bạc xanh.
Niels Christensen, nhà phân tích trưởng tại Nordea cho biết: “Các thị trường đang mong đợi việc cắt giảm lãi suất sớm hơn ở Mỹ và có ít chắc chắn rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất nhanh chóng, vì vậy đó là lý do tại sao đồng đô la rất yếu”.
Sự sụt giảm của đồng đô la trái ngược với đồng bảng Anh - đồng tiền này mang lại mức tăng tốt nhất kể từ năm 2017 và đồng franc Thụy Sĩ đạt hiệu suất hàng năm mạnh nhất kể từ năm 2010.
Đồng bảng Anh đã tăng hơn 5% so với đồng đô la trong năm 2023, mức tăng tốt nhất kể từ khi đồng tiền này bị ảnh hưởng bởi một loạt cuộc bỏ phiếu Brexit sáu năm trước. Tại Thụy Sĩ, đồng franc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong trọng số thương mại khi các nhà giao dịch ngày càng thấy Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) nắm giữ chính sách chặt chẽ hơn so với các ngân hàng trung ương lớn khác, ngay cả sau cuộc họp chính sách tương đối ôn hòa của SNB vào ngày 14/12.
Geoffrey Yu, chiến lược gia tiền tệ và vĩ mô tại BNY Mellon cho biết: “Nếu tôi phải chọn một ngân hàng trung ương có nhiều khả năng can thiệp nhất để đẩy giá đồng tiền của họ xuống giá vào năm tới thì đó sẽ là SNB. Đối với đồng bảng Anh, tôi sẽ không theo đuổi nó mạnh mẽ cho đến khi chúng tôi hiểu rõ về ngân hàng trung ương Anh”.
Trong khi đó, đồng yên giảm hơn 7% vào năm 2023, là năm giảm thứ ba liên tiếp do đồng tiền này tiếp tục chịu áp lực từ lập trường chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).
Kỳ vọng của thị trường là BOJ sẽ chấm dứt lãi suất âm vào năm 2024, mặc dù ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục giữ quan điểm ôn hòa và đã cung cấp rất ít manh mối về việc liệu một kịch bản như vậy có thể diễn ra hay không và bằng cách nào.
“Triển vọng của Nhật Bản sẽ rất đáng khích lệ vào năm 2024, với những kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lạm phát được cải thiện có dấu hiệu bền vững”, Aadish Kumar, nhà kinh tế quốc tế tại T. Rowe Price cho biết.
Hà Trần(t/h)