Những năm qua, tại Đồng Nai, giá sầu riêng luôn duy trì ở mức cao, người trồng thu lợi lớn, nông dân đã tiến hành chặt bỏ cả những loại cây mà chỉ vài năm trước còn được gọi là “cây vàng”, “cây xóa đói giảm nghèo” để trồng sầu riêng. Tình trạng người dân ồ ạt trồng khiến diện tích sầu riêng tăng vọt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể khiến cung vượt cầu, rớt giá.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, những năm qua, giá sầu riêng luôn duy trì ở mức cao, người trồng thu lợi nhuận lớn nên nông dân Đồng Nai chặt bỏ nhiều loại cây khác để trồng sầu riêng. Ngành nông nghiệp Đồng Nai đã khuyến cáo người dân không ồ ạt tăng diện tích sầu riêng. Đồng thời, chỉ trồng loại cây này tại những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp; không chặt bỏ những loại cây đang thu hoạch, có hiệu quả kinh tế sang trồng sầu riêng.

Đồng Nai: Nông dân ồ ạt trồng sầu riêng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cung vượt cầu - Hình 1

Những năm trước, mỗi kg hạt sầu riêng chỉ có giá từ 15.000 – 20.000 đồng thì nay đã tăng hơn 70.000 đồng/kg (Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng - TTXVN)

Ông Nguyễn Công Tú, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 4.100 ha sầu riêng, tăng gần 300 ha so với cuối năm 2016. Đồng thời, nên chọn, sử dụng cây giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn, giống có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Không chặt bỏ những cây đang cho thu nhập để chuyển sang trồng sầu riêng.

Sắp tới, ngành nông nghiệp Đồng Nai sẽ mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng cho nông dân. Cùng đó, tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống sầu riêng trên địa bàn.

Lên kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn sản xuất sầu riêng, vận động nông dân tham gia các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị, qua đó xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định cho sầu riêng.

 Phong trào trồng sầu riêng hiện cũng đang nở rộ tại xã Phú An, huyện Tân Phú. Trước đây, mỗi năm xã Phú An chỉ có khoảng 20 ha sầu riêng trồng mới, nhưng 2 năm nay diện tích sầu riêng đã tăng thêm 100 ha. Ông Đỗ Thanh Huy, Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết, xã Phú An hiện có 300 ha sầu riêng; trong đó, có 100 ha mới trồng dưới 2 năm, chưa thu hoạch.

Diện tích sầu riêng ở Phú An đang tăng rất nhanh, đa số người dân chặt bỏ điều, loại cây trước đây được xem là “cây xóa đói giảm nghèo” để trồng sầu riêng. Chính quyền cơ sở lo cho bà con, bởi nếu ồ ạt tăng diện tích thì nguy cơ dư thừa, rớt giá dễ xảy ra.

Theo ông Nguyễn Tiến Lệnh, chủ cơ sở cây giống ở xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, việc nông dân ồ ạt trồng khiến nguồn cung cây giống sầu riêng khan hiếm, giá tăng đột biến. Năm 2017, người dân lựa chọn rất kỹ cây giống, chỉ mua những cây đẹp với giá 140.000 đồng/cây. Nay vì khan hiếm nên người dân mua cả những cây còn nhỏ với giá dao động từ 280.000-300.000 đồng/cây.

Thống kê của ngành chức năng cho thấy, huyện Cẩm Mỹ hiện có gần 1.450 ha sầu riêng; trong đó, có 300 ha mới trồng trong hơn 1 năm. Còn huyện Tân Phú có hơn 1.400 ha sầu riêng; trong đó, hơn 500 ha trồng mới.

Ông Nguyễn Hữu Ký, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú trăn trở, việc chuyển đổi cây trồng là quyền của bà con, nhưng ở Tân Phú diện tích sầu riêng tăng đột biến, làm vỡ quy hoạch. Nhu cầu thị trường vẫn ổn định, sản lượng tăng lên thì rớt giá là điều không tránh khỏi và lúc đó nông dân lại khổ.

Huyện Tân Phú đã khảo sát thực trạng tăng nóng diện tích sầu riêng ở các xã như Phú An, Phú Xuân và khuyến cáo nông dân không chạy theo phong trào; báo cáo cho các sở, ngành ở Đồng Nai nhằm phối hợp khống chế, ổn định diện tích.

Ông Ký khẳng định, huyện Tân Phú đang nghiên cứu, kêu gọi doanh nghiệp liên kết với người dân sản xuất sầu riêng theo chuẩn VietGap ở xã Phú An và nếu thành công sẽ nhân rộng ra các xã khác. Khi sầu riêng đạt tiêu chuẩn sạch, thị trường tiêu thụ sẽ rộng mở, ổn định hơn, từ đó tạo ra sự bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

 Hải Đăng