Mục tiêu tổng quát của Đề án đô thị thông minh là phát triển đô thị thông minh tỉnh Đồng Nai hướng tới tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Ngoài ra, khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng cuộc sống của người dân và cung cấp tối đa tiện tích để phục vụ người dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai trở thành đô thị thông minh với những đổi mới căn bản, toàn diện về hoạt động quản lý điều hành của bộ máy chính quyền tỉnh Đồng Nai hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn. Đồng thời, phát triển Đồng Nai trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới.
Cùng với đó, Đồng Nai tạo ra môi trường bình đẳng cho mọi người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đằng, các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng sống của người dân.
Về mục tiêu cụ thể, trong giai đoạn 2022-2025, Đồng Nai sẽ xây dựng các nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh; xây dựng điểm trung tâm giám sát điều hành thông minh tại TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh để có cơ sở đánh giá hiệu quả và nhân rộng xây dựng trung tâm giám sát điều hành thông minh tại các huyện; xây dựng trung tâm điều hành thông minh một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như: y tế, giáo dục, giao thông,…
Giai đoạn 2026-2030, Đồng Nai tiếp tục triển khai, hoàn thiện các nội dung đã thực hiện trong giai đoạn 2022-2025 và mở rộng những lĩnh vực còn lại để đảm bảo chương trình xây dựng đô thị thông minh được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh và tất cả các lĩnh vực, đem lại sự phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Đề án đô thị thông minh lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên xây dựng đô thị thông minh, gồm: Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử, chính quyền số; xây dựng hệ thống quản lý, điều hành đô thị thông minh phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, tài nguyên môi trường, xây dựng, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự…
Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong xây dựng đô thị thông minh tỉnh Đồng Nai là lấy người dân làm trung tâm. Khi áp dụng công nghệ mới, Đồng Nai thay đổi các quy trình làm việc của cán bộ, công chức, viên chức cũng hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.
Về kinh phí, tỉnh Đồng Nai huy động tối đa để thực hiện Đề án đô thị thông minh, trong đó 40% từ nguồn vốn sự nghiệp, 60% từ vốn đầu tư phát triển để triển khai các hạng mục.
Đề án đô thị thông minh cũng đưa ra lộ trình, các giải pháp để tổ chức thực hiện và phân công cụ thể trách nhiệm của từng sở, ngành và chính quyền các cấp.
Phong Vân