Số liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) công bố ngày 18/02 cho thấy số vốn FDI vào Trung Quốc chỉ tăng 33 tỷ USD trong năm ngoái. Con số này thấp hơn 82% so với mức năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ năm 1993.

Theo giới chuyên gia kinh tế, dữ liệu của SAFE có thể phản ánh các xu hướng trong lợi nhuận của doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc, cũng như những thay đổi về quy mô hoạt động của các doanh nghiệp này.

Ảnh internet.
Bắc Kinh làm gì để cải thiện niềm tin vào nền kinh tế  khi vốn FDI chảy ra? Ảnh internet.

Lợi nhuận của các công ty nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp ở Trung Quốc đã giảm 6,7% trong năm ngoái so với năm 2022 - theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc.

Số liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố trước số liệu của SAFE cho thấy, vốn FDI mới vào Trung Quốc trong năm 2023 giảm xuống mức thấp nhất 3 năm. Số liệu của Bộ Thương mại không bao gồm lợi nhuận tại thị trường Trung Quốc mà các doanh nghiệp FDI của nước này dùng để tái đầu tư, đồng thời có mức độ biến động ít hơn so với số liệu của SAFE.

Các chuyên gia cho rằng sự suy giảm của vốn FDI vào Trung Quốc là do doanh nghiệp nước ngoài đang rút vốn khỏi nước này vì căng thẳng địa chính trị và sức hút của lãi suất cao hơn ở các nền kinh tế khác. Các công ty đa quốc gia nhận thấy việc giữ tiền ở các quốc gia khác hấp dẫn hơn ở Trung Quốc vì nhiều nền kinh tế lớn đã tăng lãi suất để chống lạm phát trong khi Trung Quốc hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng.

Các công ty Nhật Bản đã đầu tư lượng vốn mới thấp nhất vào năm 2023 trong ít nhất một thập kỷ, với chỉ 2,2% vốn đầu tư nước ngoài mới của Nhật Bản đổ vào Trung Quốc đại lục.

Theo số liệu được chính phủ Nhật Bản công bố hồi đầu tháng này, khoản đầu tư đó ít hơn số tiền được chuyển vào Việt Nam hay Ấn Độ và chỉ bằng khoảng 1/4 khoản đầu tư vào Úc.

Các công ty Đài Loan, vốn là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Quốc, cũng trở nên kém hào hứng trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh của họ ở đại lục, với mức đầu tư mới vào năm ngoái ở mức thấp nhất kể từ năm 2001.

Vốn FDI vào Trung Quốc năm 2023 thấp nhất 30 năm
Vốn FDI vào Trung Quốc năm 2023 thấp nhất 30 năm

Trước những kết quả kém khả quan này cho thấy, thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt khi đang nỗ lực thu hút dòng vốn ngoại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có hai yếu tố cho thấy sự sụt giảm gần đây của dòng vốn FDI vào Trung Quốc có thể chỉ là tạm thời.

Thứ nhất, hiện nay có ít động lực khuyến khích đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc hơn. Trong năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương thế giới vẫn giữ nguyên lập trường về việc chính sách tiền tệ cần được thắt chặt hơn nữa và giữ nguyên lâu hơn.

Cụ thể, Fed đã có tổng cộng 4 lần nâng lãi suất trong năm 2023, đưa lãi suất quỹ liên bang (FFR) từ vùng 4,25-4,5% hồi đầu năm lên vùng 5,25-5,5% vào tháng 8/2023. Mức tăng này đã làm giảm khẩu vị rủi ro của các doanh nghiệp và động lực đầu tư ra nước ngoài của họ.

Thứ hai, tâm lý tiêu cực về sự phục hồi kinh tế đáng thất vọng hậu Covid-19 của Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị với Mỹ đã ảnh hưởng đến dòng vốn FDI. Điều này cũng có thể sớm thay đổi. Những vấn đề hiện tại được cho là sẽ thúc đẩy Bắc Kinh nới lỏng chính sách mạnh mẽ hơn để ổn định thị trường bất động sản và đảo ngược đà tăng trưởng đang suy giảm.

Tại một cuộc họp nội các ngày 18/2, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường kêu gọi tiến hành các biện pháp "thực chất và mạnh mẽ" để cải thiện niềm tin vào nền kinh tế.

Đây được xem một dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang lo ngại về những thách thức mà nền kinh tế nước này phải đối mặt, bao gồm sự suy yếu của dòng vốn FDI, xu hướng bán tháo trên thị trường chứng khoán và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Cùng với đó, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đã phân bổ ít nhất 60 tỷ nhân dân tệ, tương đương 8 tỷ USD, để cho vay đối với các dự án bất động sản đủ tiêu chuẩn hỗ trợ nhằm vực dậy thị trường.

Thiên Trường (t/h)