Miền đất hứa của doanh nghiệp Trung Quốc

Doanh nhân Carl Ying, ông chủ của nhà xuất khẩu máy cạo râu điện tại Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội mở rộng nhà máy tại Việt Nam. “Sau hai lần đến thăm Hải Phòng vào năm ngoái, tôi nghĩ nhà máy của tôi có thể được xây dựng ở đây trong tương lai gần”, Carl Ying chia sẻ với SCMP.

Vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm qua.
Vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm qua.

Carl Ying là một trong số nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam thường là lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất Trung Quốc trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra nước ngoài.

Theo thống kê của Cục đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/1, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, chiếm gần 19%.

Trung Quốc hiện là đối tác đầu tư đứng thứ 6 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký luỹ kế vào hiệu lực đến hết năm 2023 là gần 27,479 tỷ USD. Chỉ riêng trong năm 2023, tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam đạt 4,47 tỷ USD, đứng thứ 4 trong tổng số nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam xét trên vốn đăng ký.

Sự hiện diện của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam ngày càng rõ nét và phủ sóng ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngoài những lĩnh vực quen thuộc như nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng, trong thời gian qua, các nhà đầu tư Trung Quốc còn mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo khác như điện tử, sản xuất lôp, dệt may, da giày, điện,…

Đơn cử như trong năm 2023, Tập đoàn sản xuất tấm quang năng Jinko Solar Holding của Trung Quốc đã rót 1,5 tỷ USD đầu tư vào dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện tại Quảng Ninh. Hay như Tập đoàn Runergy xây nhà máy vật liệu bán dẫn 293 triệu USD ở Nghệ An. Tập đoàn BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc, cũng đã đầu tư 269 triệu USD vào dự án về linh kiện ô tô tại tỉnh Phú Thọ.

Tờ SCMP nhận định, chi phí sản xuất trong nước ngày càng tăng cũng như làn sóng dịch chuyển "Trung Quốc +1” và căng thẳng địa chính trị là những yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Ruchir Desai, Giám đốc Quỹ Asia Frontier Capital cho rằng, ngay cả trước khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung bùng nổ và đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI nhờ sở hữu loạt ưu điểm như nguồn lao động dồi dào, mức lương hấp dẫn và có vị trí địa lý thuận lợi.

Hơn nữa, Việt Nam tiếp tục củng cố uy tín của mình như một trung tâm sản xuất đáng tin cậy bằng cách ký kết các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

“Nhiều năm hoạch định chính sách đúng đắn để thu hút hoạt động sản xuất toàn cầu và môi trường chính trị ổn định đã giúp Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều dòng vốn FDI. Nói cách khác, nỗ lực thu hút vốn FDI của Việt Nam hiện đang ở “điểm ngọt ngào”, ông Ruchir Desai nói.

Cơ hội và thách thức cùng song hành

Cơ hội mà làn sóng FDI Trung Quốc mang lại là rất lớn. Theo ông Ngô Nghị Cương, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư C+, chuyên tư vấn, lựa chọn địa điểm đầu tư cho khách hàng, nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nước ta có thể tận dụng dòng FDI từ Trung Quốc - một trong những quốc gia dẫn đầu về tiềm lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch - để học hỏi, nâng cao trình độ sản xuất, trình độ công nghệ, đặc biệt trong các ngành công nghệ 4.0 như công nghệ bán dẫn, năng lượng sạch.

Song song với đó, các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ có thêm cơ hội cung ứng hàng hóa dịch vụ. Các ngành xây dựng, logistics, bất động sản,… cũng có thêm dư địa phát triển, ông nhận định.

Làn sóng FDI Trung Quốc vào Việt Nam mang đến cả cơ hội lẫn thách thức.
Làn sóng FDI Trung Quốc vào Việt Nam mang đến cả cơ hội lẫn thách thức.

Tuy vậy, kéo theo đó là những nỗi lo, nhất là của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ, từng bày tỏ lo ngại khi các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa kịp đủ lớn để tham gia chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu thì đã bị các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, vượt mặt để chiếm thị phần ngay trên sân nhà.

Thêm vào đó là nỗi lo “bị vạ lây” đối với một số ngành hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Câu chuyện này thực chất đã manh nha từ năm 2019 khi một số mặt hàng của Việt Nam như thép, gỗ,… bị “chịu đòn oan” khi hàng Trung Quốc núp bóng xuất xứ “Made in Vietnam” để né thuế xuất khẩu sang Mỹ.

“Một số nhà đầu tư Trung Quốc núp bóng doanh nghiệp Việt để gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Trên thực tế, có một số doanh nghiệp và cá nhân bị lôi kéo và giúp sức cho việc này vì cái lợi trước mắt, từ đó có thể khiến hàng Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu, trong đó có Mỹ và các nước châu Âu”, ông Ngô Nghị Cương nhận định.

Theo nhiều chuyên gia, thay vì cố gắng thu hút vốn FDI bằng mọi giá, Việt Nam cần có bộ lọc với các dự án FDI, tức là lựa chọn những dự án mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, mang lại giá trị gia tăng cũng như ưu tiên các dự án phát triển bền vững.

Viện Quan hệ quốc tế Australia nhận định, Việt Nam cần đặt ra những yêu cầu rõ ràng về các doanh nghiệp FDI để có thể lọc "FDI bẩn", thậm chí nên loại bỏ các dự án có hại nếu cần thiết để đảm bảo nền kinh tế xanh hơn. Từ đó, Việt Nam có thể thu hút các dự án FDI chất lượng cao hơn thay vì những dự án có lợi trong ngắn hạn nhưng lại gây tổn thất về lâu dài.

Theo VietnamFinance