Đã đến lúc phải hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại do rượu bia gây ra (Ảnh minh họa)
Cần thiết ban hành luật
Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành luật.
Thời gian qua, ước tính việc sử dụng rượu bia ở nước ta đã khiến hàng chục nghìn người tử vong và hàng trăm nghìn người phải nhập viện vì điều trị các bệnh có liên quan đến rượu, bia. Đó cũng là nguyên nhân trực tiếp của một số bệnh dẫn đến bệnh ung thư, như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, v.v... và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến não bộ và thần kinh bị ức chế, tê liệt, lâu ngày sẽ dẫn đến loạn thần, trầm cảm, suy giảm trí nhớ, rối loạn hành vi. Số người chết do tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia cũng ngày càng tăng.
Nếu như các chỉ số kinh tế Việt Nam được cải thiện nhích lên từng bậc là kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị thì chỉ số tiêu thụ rượu, bia không rõ những nỗ lực đến từ đâu, lại luôn đẩy xếp hạng Việt Nam từ cao đến rất cao so với khu vực và thế giới.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) thẳng thắn: “Chúng ta có lẽ khó quên hình ảnh người đứng đầu Chính phủ thân chinh chỉ đạo tới từng đơn vị và giao kế hoạch tăng trưởng để GDP 2017 cán mốc 6,7%. Điều đó cho thấy, để nhích lên từng chút một cho tăng trưởng, cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp phải vất vả nỗ lực như thế nào, thậm chí có thời điểm được xem là kỳ tích thì ở chiều ngược lại mỗi năm bia, rượu đã tổn thất ít nhất 1,3% GDP quý giá của quốc gia.
Dù cố gắng biện minh cho sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cũng là một điều khiên cưỡng, khó chấp nhận, chưa kể những hậu quả nặng nề kéo dài cho xã hội không gì có thể bù đắp được”.
Và dù rằng, lợi ích của ngành công nghiệp rượu, bia mang lại đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 50.000 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 220.000 lao động, kể cả trực tiếp và gián tiếp. Nhưng mặt khác, những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia gây ra đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội đang ngày càng gia tăng, là thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết. Làm sao để xây dựng các chính sách vừa bảo vệ được sức khỏe của người dân, vừa hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia, quả thật, đây là một bài toán khó.
Tuy nhiên, đại biểu Nhân cho rằng, dự luật cần được xây dựng một cách chặt chẽ, không có những cài cắm lợi ích qua việc cố tình đánh tráo khái niệm bởi những tổn thất và tác hại của bia rượu lên xã hội là quá lớn so với lợi ích nó mang lại. Đã đến lúc phải hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại này, đưa đất nước ra khỏi những vị trí không mấy tốt đẹp, dù là hàng đầu khu vực hay thế giới.
Siết quản lý rượu thủ công
Rượu thủ công là rượu do các hộ gia đình tự nấu, được quy định tại Điều 16 dự thảo luật, trong đó có quy định lộ trình đến ngày 1/1/2023, rượu thủ công sẽ được quản lý như rượu công nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thảo (Đoàn Nghệ An), số lượng giấy phép kinh doanh bán lẻ, giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh được cấp tại địa phương quá ít so với số lượng thực tế các cơ sở hoạt động, chỉ khoảng 15% so với cơ sở sản xuất rượu thủ công và 50% đối với cơ sở bán lẻ. Như vậy, số lượng cơ sở sản xuất hộ gia đình không đăng ký sản xuất rượu nhưng vẫn bán ra thị trường mà chưa xin cấp phép kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm không phải là ít.
Vấn đề đặt ra là quản lý sản xuất, tiêu thụ rượu thủ công, chế tài xử phạt như thế nào thì dự thảo luật chưa quan tâm đúng mức. Cần có quy định đầy đủ, rõ ràng để điều chỉnh vì thực tiễn cho thấy rượu này chiếm tỷ lệ lớn và có tới 74% người uống rượu sử dụng loại rượu này, chất lượng không đảm bảo, nguy cơ dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe người tiêu dùng và gây thất thu ngân sách.
Mặc dù đã có Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 105 năm 2017 về quản lý, sản xuất, kinh doanh rượu nhưng trong thời gian qua tình trạng lạm dụng rượu và ngộ độc rượu chứa methanol vẫn còn nhiều, diễn biến vẫn còn phức tạp, thậm chí có nhiều vụ gây chết người. Nguyên nhân là uống rượu không rõ nguồn gốc. Do vậy, việc kiểm soát sản xuất rượu thủ công là vấn đề cấp bách, cần làm ngay và thường xuyên nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân.
“Việc cấm sản xuất rượu thủ công là khó khả thi. Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng rượu và nói không với rượu thủ công không rõ nguồn gốc thì đòi hỏi cần có mô hình quản lý mới hiệu quả hơn. Ví dụ, các huyện, thành thị, thậm chí từng xã, phường phải nắm bắt được tình hình nấu rượu ở địa phương mình, sớm chủ động đứng ra xây dựng thương hiệu rượu thủ công ở địa phương với quy trình sản xuất an toàn và phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương mình. Vận động các hộ sản xuất rượu đạt chất lượng, như vậy nó sẽ thắt chặt được quản lý, sản xuất rượu ngay từ cơ sở”, đại biểu Thảo góp ý.
Cần phải quản lý chặt chẽ rượu thủ công qua việc quy định biện pháp tăng cường quản lý bảo đảm an toàn đối với sản xuất, mua bán rượu thủ công. Tiếp tục duy trì cấp phép sản xuất đối với rượu thủ công vì mục đích kinh doanh và định hướng giảm dần tốc độ tăng sản xuất và kinh doanh rượu thủ công.
Đồng thời, phải bảo đảm tính khả thi, đơn giản hóa về thủ tục hành chính, nhằm tiến tới đạt được mục tiêu rượu thủ công được kiểm soát có đăng ký nhãn hàng hóa, gắn với thương hiệu làng nghề truyền thống. Sản phẩm đạt chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm và hạn chế tối đa các tác hại của rượu thủ công đối với sức khỏe, nhất là rượu thủ công không rõ nguồn gốc và xuất xứ.
Đoàn Huế