Bài 1:Đất khai hoang bỗng nhiên bị thu hồi?
Mũi Né Summer Land liên tục được quảng cáo rầm rộ với nhiều mỹ từ có cánh “là dự án vô tiền khoáng hậu sẽ góp phần thay đổi diện mạo thành phố Phan Thiết”... Tuy nhiên, xung quanh dự án này lại là những "lùm xùm" từ việc bán lúa non, chưa có giấy phép xây dựng… cho đến nhiều khuất tất đáng lo ngại mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong loạt phóng sự điều tra này.
Đơn kêu cứu của người dân bỗng dưng mất đất?
Vào cuối tháng 5/2019, Dự án Mũi Né Summer Land (khu đất tại phường Phú Hài, TP. Phan Thiết đang được rào lại và quảng cáo triển khai Dự án Mũi Né Summer Land do, Công ty TNHH Hưng Lộc Phát Than Thiết làm chủ đầu tư) vừa bị Sở Xây dựng của tỉnh Bình Thuận “tuýt còi”, vì đã rao bán ầm ỹ và nhận đặt cọc giữ chỗ, trong khi chỉ đang là bãi đất trống và chưa có giấy phép xây dựng?
Trước đó không lâu, PV có nhận được đơn kêu cứu của các hộ dân có đất đang tranh chấp tại khu vực này. Nhóm PV đã vào cuộc điều tra, xác minh nội dung những lá đơn kêu cứu, từ đó nhiều tình tiết, nhiều khuất tất dần được sáng tỏ trong sự ngỡ ngàng...
Quang cảnh phía bên trong khu đất Dự án Mũi Né Summer Land
Theo đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Bảy (sinh năm 1951) và ông Trần Văn Thành (con trai bà Bảy) đều ở thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận thì, năm 1980, gia đình bà Bảy khai hoang được diện tích trên 10 ha đất nông nghiệp (nay thuộc khu phố 5, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết) để trồng dưa hấu, khoai mỳ, đậu… Gia đình bà Bảy sử dụng diện tích đất này để sản xuất từ đó đên nay, không có tranh chấp với ai. Năm 1997, bà Bảy cho ông Thành hơn 6 ha và giữ lại hơn 4 ha đất để tiếp tục canh tác.
Dự án Mũi Né Summer Land đang bị "tuýt còi"...
Trên diện tích đất được cha mẹ cho, ông Thành trồng xen canh thêm một số cây tràm, bạch đàn… Khoảng năm 2003 – 2004, thấy một số địa phương thông báo làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho dân, bà Bảy và con trai có đến phường Phú Hài xin làm giấy thì được cán bộ (ông Hoành) trả lời, hiện chưa có thông báo, khi nào có sẽ báo cho gia đình. Năm 2005, gia đình bà Bảy lại đến UBND phường Phú Hài xin làm sổ, thì cũng chính ông Hoành lại trả lời: “Đất gì của mấy ông bà mà làm giấy xác nhận?”.
Dù không làm được giấy, nhưng gia đình bà Bảy vẫn tiếp tục sử dụng diện tích đất này để sản xuất, không tranh chấp với ai và không bị chính quyền địa phương ngăn cản. Tuy nhiên, ngày 8/11/2013, UBND TP. Phan Thiết ra Quyết định số 904/QĐ-KPHQ yêu cầu bà Bảy không được sử dụng diện tích đất 46.252 m2 hiện bà đang canh tác nữa.
Tương tự, trường hợp của bà Nguyễn Thị Lần, nguồn gốc đất của bà cũng là do gia đình khai hoang canh tác từ những năm 1980 (có nhiều cơ sở để chứng minh). Thế nhưng, ngày 22/11/2013, UBND TP. Phan Thiết ban hành Quyết định số 947/QĐ-KPHQ buộc bà Lần không được sử dụng 20.923 m2 đất mà bà đang canh tác tại khu phú 5, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết.
Bức xúc vì đất đang sử dụng canh tác, bỗng nhiên bị Nhà nước thu hồi mà không có lý do chính đáng và không giải tỏa đền bù, bà Bảy, bà Lần cùng một số hộ dân có đất tại khu vực này đã nhiều lần làm đơn khiếu nại gửi đến UBND TP. Phan Thiết, nhưng không được xử lý. Nhiều hộ dân đã nộp đơn kiện Quyết định của UBND TP. Phan Thiết lên tòa án.
"Tiền hậu bất nhất"?
Theo tìm hiểu của PV, phần trình bày về nguồn gốc đất của bà Bảy, ông Thành, bà Lần và các hộ dân tại đây đều hoàn toàn có căn cứ.
Năm 2012, bà Bảy có lập đơn kê khai nguồn gốc đất. Trong đó, trình bày: “Năm 1980, tôi có khai hoang một thửa đất để trồng hoa màu hàng năm, liên tục sử dụng cho đến mãi sau này; diện tích đất thuộc địa bàn khu phố 5, phường Phú Hài. Theo đó, tứ cận: Đông giáp đất bà Nguyễn Thị Lần, tây giáp đất ông Bùi Công Thành, nam giáp đất ông Hồ Văn Hợi, bắc giáp đất ông Ngô Văn Phương…”.
Đơn được các ông bà Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Lần, Trần Thị Đây, Bùi Công Thành, Bùi Thị Trường, Hồ Văn Hợi, Ngô Văn Phương, Văn Thị Ngọc Lan xác nhận giáp ranh và nguồn gốc sử dụng đất. Đặc biệt, có ông Hồ Văn Em (công tác tại địa phương từ năm 1976 đến 1983), ông Nguyễn Ngọc Thang, Trưởng khu phố xác nhận, bà Bảy có khai hoang làm rẫy ở đây và đúng như diện tích kê khai.
Biên bản thể hiện năm 2012 UBND tỉnh có thỏa thuận mượn đất của các hộ dân
Trong một diễn biến khác, năm 2012, nơi đây diễn ra sự kiện Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Việt Nam lần thứ nhất, UBND tỉnh Bình Thuận (trực tiếp là ông Nguyễn Thành Tâm – Phó chủ tịch UBND tỉnh khi đó) đã thỏa thuận mượn đất của các hộ dân để tổ chức. Việc mượn đất và cho mượn đất diễn ra suôn sẻ, các hộ dân được nhận tiền bồi thường hoa màu trên đất, xong lễ hội, phía chính quyền tỉnh Bình Thuận đã trả lại đất cho dân tiếp tục canh tác, trồng trọt.
Về việc tỉnh mượn đất để tổ chức lễ hội khinh khí cầu, các bằng chứng đều thể hiện rất rõ qua các biên bản làm việc. Tháng 8/2012, UBND tỉnh Bình Thuận có mượn đất của 2 hộ dân: Ông Thành và bà Lần, có cả việc 2 hộ dân này được nhận hỗ trợ tiền thiệt hại cây cối, hoa màu.
Như vậy rất rõ, nguồn gốc đất của gia đình bà Bảy, ông Thành, bà Lần và một số hộ dân khác đang sử dụng hợp pháp tại khu vực này là có thật. Theo quy định pháp luật về đất đai, đất của bà Bảy, bà Lần mặc nhiên được thừa nhận hợp pháp, được cấp sổ đỏ, được bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Khoảng 4, Điều 50 - Luật Đất đai năm 2003 quy định: "Gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoảng 1 điều này, nhưng đất đó được sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi có quy hoạch sử dụng đất, thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất".
Việc xác định thời điểm sử dụng đất được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định số 84/2007/ND-CP: "Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 2 điều này, hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất, thì phải có xác nhận của UBND cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất, trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư nơi có đất”.
Luật quy định là vậy. Thực tế xác minh là vậy. Nhưng không hiểu vì sao, phía chính quyền sở tại có thái độ hành xử theo kiểu "tiền hậu bất nhất"? UBND tỉnh hôm trước thì đi mượn đất của dân để tổ chức lễ hội, UBND thành phố ngay hôm sau lại thu hồi bán đấu giá cho doanh nghiệp làm dự án? Có phải bỏ mặc người dân chơ vơ, không hiểu vì sao mất đất mà không có một “cắc” đền bù, hỗ trợ?...
TH&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Lê Vũ – Bảo Trần