Hiện tại đang xuất hiện tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất nền lên cao ở một số địa phương như Hà Nội, Vĩnh phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai...
Đặc biệt, tại 3 khu vực chuẩn bị thành lập đặc khu kinh tế đã xảy ra tình trạng phân lô bán nền, chuyển nhượng đất rừng, đất nông nghiệp trái quy định pháp luật diễn ra trên diện rộng, đẩy giá đất tăng cao trong thời gian ngắn.
Trước tình trạng đó, cơ quan chức năng đã tạm dừng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở; tạm dừng thủ tục tách thửa; tạm dừng các giao dịch quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền cũng như công khai thông tin về quy hoạch tránh rủi ro cho người dân.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh
Ông Sinh cho biết, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2017 dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 17% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, vẫn ở mức an toàn.
Ông Sinh cho rằng, khi các ngân hàng tập trung cho vay lĩnh vực bất động sản sẽ đẩy giá bất động sản tăng cao, tạo nguy cơ "bong bóng" bất động sản.
Hiện tại, nhiều ngân hàng đang tập trung huy động vốn, hạn chế cho vay ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn với lĩnh vực bất động sản.
"Nhìn tổng thể, thị trường bất động sản đang phát triển theo hướng bền vững, nhưng cũng luôn tiềm ẩn một số nguy cơ buộc chúng ta phải có những hành động và biện pháp ứng xử kịp thời để đảm bảo cho thị trường tiếp tục phát triển bền vững" - ông Sinh kết luận.
Trước đó, tại cuộc Hội thảo Sốt bất động sản - cơ hội và rủi ro diễn ra vào giữa năm 2018, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thị trường BĐS ở Việt Nam đang rất nóng, chưa lúc nào hạ nhiệt và luôn tiềm ẩn nguy cơ nổ ra bong bóng bất cứ lúc nào.
Ông Hiếu đưa ra dẫn chứng về tín dụng cho vay bất động sản lên tới 20%, nếu tính cả cho vay chứng khoán thì không dưới 1/3 tổng dư nợ.
Ông Hiếu giải thích, sở dĩ ước tính lên đến 20% là vì cộng cả những khoản cho vay mua nhà, sửa nhà nhưng không có mục đích kiếm lời.
Từ đó, ông Hiếu đưa ra cảnh báo: "Chúng ta phải cẩn thận vì bong bóng có thể vỡ ra vào đầu năm 2019 hoặc trong năm 2019. Tôi nghĩ hiện tượng bong bóng tại một số địa điểm đã hình thành và chỉ chờ chực các hiện tượng khác của nền kinh tế để vỡ ra”.
Ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng từng thông tin vào đầu năm 2018, Việt Nam đã có 8/10 dấu hiệu bong bóng bất động sản.
TS Đinh Thế Hiền cũng nhận định, nếu thị trường bất động sản đóng băng trong những năm tới thì nó sẽ ảnh hưởng trên diện rộng vì giá đất bây giờ cao hơn so với thời điểm 2010 rất nhiều. Hơn nữa, số lượng dự án cũng tăng chóng mặt so với 8 năm trước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản lại bày tỏ sự lạc quan vì Việt Nam đang tăng trưởng kinh tế mạnh nên không lo ngại có bong bóng bất động sản nổ ra.
Ông Đính thừa nhận, thị trường bất động sản có thể theo một chu kỳ tăng trưởng đến đỉnh và suy thoái.
Trước đây, chu kỳ đó ngắn và có độ lõm sâu, nhưng bây giờ do các yếu tố của thị trường đều tốt hơn ngày xưa nên chu kỳ ấy dài hơn thời gian trước rất nhiều, độ lõm nông hơn.
"Có thể sẽ đến thời điểm thị trường thoái trào, nhưng sự đi xuống đó không phải đột ngột, cũng không sâu và tạo ra sự trầm lắng. Vì những lẽ đó, việc xảy ra bong bóng bất động sản và vỡ bong bóng khó xảy ra. ", ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.
PV