Xuất khẩu kỳ vọng tăng trưởng khoảng 10-12% trong năm 2025

Nhận định từ Báo cáo Chiến lược đầu tư 2025 của Trung tâm Phân tích – Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt mới nhất: Xuất khẩu kỳ vọng tăng trưởng khoảng 10-12% trong năm 2025.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.
Dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2025 tăng từ 10-12%, thị trường chiến lược là Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Theo nhóm chuyên gia, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2025 đồng pha với chu kỳ hồi phục của tăng trưởng thương mại toàn cầu nhưng tăng trưởng thấp hơn năm 2024 do mức nền cao của cùng kỳ.

Báo cáo trên cũng dự đoán, các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ có thị trường chủ lực là Mỹ. Các ngành xuất khẩu quan trọng của khối doanh nghiệp trong nước có thể phục hồi rất tích cực là máy móc, thiết bị, túi xách, gỗ; phục hồi vừa phải là dệt may và thuỷ sản.

“Tương tự như giai đoạn Trump 1.0, Việt Nam có thể được hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và hàng hoá khi Trung Quốc bị áp thuế quan, nhất là trong kịch bản Trump áp thuế 60% lên hàng hoá từ Trung Quốc. Điểm khác biệt ở Trump 2.0 là mức thuế cao hơn/quy mô lớn hơn với hàng hoá Trung Quốc và cách tiếp cận về thuế quan của Trump đối với các quốc gia khác”, các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt nhận định

Cụ thể, thị trường Mỹ tiếp tục là thị trường đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 của Việt Nam nhờ triển vọng kinh tế lạc quan hơn các thị trường khác, chi tiêu dùng tăng trưởng ổn định và làn sóng tích luỹ hàng hoá nhằm ứng phó với các chính sách thuế quan từ chính quyền Trump 2.0.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang Mỹ được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi các chính sách phòng vệ thương mại của nước bạn. Trong kịch bản cơ sở, nhóm chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt giả định chính quyền Trump 2.0 sẽ áp dụng thuế quan/biện pháp phòng vệ thương mại có mục tiêu và liên kết các thuế quan này với các quy tắc xuất xứ chặt chẽ hơn với mục tiêu cuối cùng vẫn là hướng đến hàng hoá Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam để né mức thuế cao hơn từ Mỹ. Xác suất Việt Nam bị áp thuế từ 10-20% (dù thấp) vẫn có thể xảy ra vào nửa cuối năm 2025 hoặc năm 2026, theo đó ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, năm 2025, xuất khẩu hàng hoá sẽ còn đối diện với những biến động thất thường của tình hình thế giới, song Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời tham mưu lãnh đạo Bộ Công Thương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2025 tăng từ 10-12%, thị trường chiến lược là Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.
Dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2025 tăng từ 10-12%, thị trường chiến lược là Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Thị trường chiến lược là Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, để đạt mục tiêu này, thời gian tới, ngành da giày vẫn tập trung xuất khẩu sang những thị trường sẵn có và dễ tính như Châu Phi, Châu Á để có được tệp khách hàng phù hợp và tăng doanh thu..

Sau đó, từng bước ứng dụng tiêu chuẩn cao hơn như sản xuất xanh, sản phẩm xanh để chinh phục những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ… Các doanh nghiệp cũng bước đầu tiếp cận các trang thương mại điện tử lớn như: Alibaba, Amazon… nhằm mở thêm kênh tiêu thụ. Hiện, một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm 2025.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, với mức độ thâm hụt thương mại đứng thứ 3 trong tổng số đối tác của Hoa Kỳ, Việt Nam đứng trước nguy cơ có thể phải chịu mức thuế tương tự Trung Quốc ở giai đoạn đầu (15%) và có thể tăng dần nếu tình hình thâm hụt thương mại không được cải thiện cũng như những thỏa thuận của Việt Nam với Hoa Kỳ không được thực thi. Điều đáng lo ngại là sẽ áp dụng với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, không phải chỉ riêng hàng hóa có liên quan đến Trung Quốc (đầu tư, nguyên liệu, nhân công…). Do đó, nhiệm vụ trước mắt là cần lưu tâm giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại, dù cơ bản điều này thể hiện cơ cấu ngoại thương mỗi nước mang tính bổ trợ và không cạnh tranh trực tiếp.

Về phía các ngành hàng, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) khuyến cáo, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA)) bao gồm các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các doanh nghiệp cần bảo đảm các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường Hoa Kỳ.

Khách hàng và người tiêu dùng Hoa Kỳ ngày càng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Do đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nên áp dụng các phương pháp nuôi trồng bền vững, như nuôi tôm sạch, và nuôi trồng thủy sản theo các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, ASC, MSC) để nâng cao uy tín và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2025 tăng từ 10-12%, thị trường chiến lược là Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.
Dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2025 tăng từ 10-12%, thị trường chiến lược là Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Dưới góc độ chuyên gia, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết, việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ sẽ có nhiều tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của các nước trong đó có Việt Nam. Chính sách của ông Donald Trump hướng đến Hoa Kỳ, Hoa Kỳ là trên hết, do đó, có thể đánh thuế cao đối với hàng nhập khẩu và một số quốc gia.

Bên cạnh đó, thị trường Hoa Kỳ vẫn có những đòi hỏi về yêu cầu hàng hóa để đảm bảo hàng xuất khẩu vào nước họ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, vì vậy, chúng ta cũng phải tự vươn lên để đáp ứng các tiêu chuẩn mà họ đặt ra.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, năm 2024, hai động lực tăng trưởng nổi bật là dòng vốn FDI tiếp tục duy trì xu hướng tích cực và xuất khẩu tăng trưởng nhanh. Nhưng với xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng khả quan một phần do dựa trên nền thấp của 2023.

Theo Chuyên gia đến từ ADB, trước xu hướng hạ nhiệt của thị trường, nên triển vọng tăng trưởng xuất khẩu tốt có thể khó duy trì trong năm tới.

Điểm tựa cho thương mại tăng trưởng trong năm tới, là các doanh nghiệp, ngành hàng cần bám chắc các đối tác nhập khẩu lớn tại các thị trường chủ lực như: Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, ASEAN... để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bởi nhu cầu tiêu dùng tại thị trường tỷ dân vẫn tăng trưởng, bất chấp các quy định, tiêu chuẩn về hàng hóa nhập khẩu ngày càng cao hơn, nhưng đáp ứng được sẽ là con đường để các ngành hàng, nhất là nông sản Việt tăng trưởng bền vững.

PV (t/h)