Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, các Sở, ban, ngành trong toàn tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Đồng thời cũng quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị; tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó quan tâm việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng bộ, toàn dân và cả hệ thống chính trị.
Để công tác quản lý chất thải sinh hoạt đạt được hiệu quả cao, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương yêu cầu, HĐND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh kịp thời cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường; phân bổ nguồn lực cho hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực thi các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Yêu cầu, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, nhất là việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định để áp dụng phù hợp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có quản lý chất thải rắn sinh hoạt; tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và các đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Triển khai các biện pháp xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt không chấp hành các quy định của Nhà nước; từng bước áp dụng các biện pháp xử lý, chế tài đối với các hộ gia đình, cá nhân không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Tăng cường nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường; bảo đảm nguồn kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Quan tâm đầu tư các điểm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải. Đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác thải tập trung có công nghệ tiên tiến, hiện đại, công suất cao, phù hợp với nhu cầu của tỉnh.
Chỉ đạo tiếp tục cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; đưa mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào hoạt động thường xuyên của tất cả các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh…
Xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hóa, triển khai các nội dung của Chỉ thị này để tổ chức thực hiện và định kỳ đánh giá, báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ thị vào chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ 2025-2030.
Bùi Tú