Thứ nhất, kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại, chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong hai năm qua.
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế mới nhất ngày 29/11/2023 của OECD, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024, dự kiến sẽ chậm lại ở mức 2,7% và sau đó tăng nhẹ lên 3% vào năm 2025, thấp hơn so với mức tăng trưởng của năm 2023 (dự báo đạt 2,9%) và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 3,3%/năm của thập kỷ trước đại dịch. Trong đó, các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc… mặc dù vẫn tiếp tục đối diện với những khó khăn, thách thức, nhưng OECD đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 và 2024…
Bức tranh tăng trưởng năm 2024 không quá lạc quan nêu trên - sẽ tác động trực tiếp đến triển vọng của các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam, bởi đây là những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Thứ hai, sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn tại Việt Nam trong thời gian tới.
Kết quả phát triển thời gian tới của Việt Nam cũng phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), xử lý các rủi ro gắn với cạnh tranh thương mại - công nghệ giữa các nước lớn, khả năng ứng phó hiệu quả với các chính sách quốc tế có tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực như việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, các quy định cao về môi trường, lao động của EU, Hoa Kỳ đối với hàng xuất khẩu
Thứ ba, xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau.
Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; Mỹ nâng cao và gắn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... với thương mại).
Thứ tư, xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét. Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ (Near sourcing) và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, (thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam).
Các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như Ấn Độ, Mexico, Braxin… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.
Thứ năm, xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét. Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp đang định hình lại các hình thức, loại hình dự án FDI trên toàn cầu (giảm dần các dự án FDI tranh thủ thu lợi từ sự lỏng lẻo trong chính sách bảo vệ môi trường tại các nước đang phát triển).
Việc các nước đang tiến tới áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng nhất định đến dòng vốn đầu tư trực tiếp toàn cầu và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của mỗi nước. Đồng thời, đầu tư toàn cầu có xu hướng dịch chuyển mạnh sang lĩnh vực kỹ thuật số, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển nhanh và thay đổi bản chất của đầu tư xuyên biên giới.
Thứ sáu, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam đang khai thác có hiệu quả các Hiệp định FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu của nước ta đã và sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội và cả sức ép cạnh tranh mới.
Việc điều chỉnh chính sách thương mại của các nước với 3 động thái chủ yếu, bao gồm: Động thái chính sách liên quan đến khủng hoảng Nga - Ucraina, xung đột tại Trung Đông; Nâng cấp công cụ phòng vệ thương mại, kể cả tăng cường điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm soát tiếp cận thị trường; Thúc đẩy khuôn khổ hợp tác, tăng cường cạnh tranh, phục hồi chuỗi cung ứng… cũng có tác động đến sản xuất và thương mại toàn cầu năm 2024.
Thứ bảy, cuộc CMCN 4.0 đã và đang chuyển đổi cấu trúc của nền kinh tế thế giới, hiện bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo - đã mang đến cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ để thực hiện công nghiệp hóa đất nước, bắt kịp các nước phát triển.
Nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức rất lớn với mô hình tăng trưởng đang phụ thuộc nhiều vào lợi thế nguồn nhân lực giá rẻ, khi lợi thế này đang bị cạnh tranh lớn bởi máy móc và tự động hóa, xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến đang phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI...
Nhìn chung, áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, đến từ cả 3 kênh:
(1) Kênh thương mại quốc tế, khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu;
(2) Kênh đầu tư quốc tế, khi mặt bằng lãi suất thế giới nhìn chung còn neo ở mức cao, khó thu hút vốn cho đầu tư nói chung và trực tiếp tạo áp lực không nhỏ trong việc giữ vốn đã đầu tư ở lại Việt Nam, cũng như thu hút thêm vốn đầu tư mới;
(3) Kênh tài chính tiền tệ với áp lực mất giá đồng nội tệ so với đồng USD, tuy thuận lợi phần nào cho xuất khẩu, nhưng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.
Ở trong nước, 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 với nhiệm vụ nặng nề: Phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn, do đại dịch Covid-19 và biến động địa chính trị toàn cầu.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện bối cảnh tình hình, Đảng và Chính phủ đã đề ra các định hướng và giải pháp cơ bản nhằm thực hiện mục tiêu của năm 2024:
Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiên trì mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thời gian tới.
Các tổ chức quốc tế uy tín, tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024, góp phần quan trọng kích cầu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước và có tác động tích cực đến phát triển sản xuất ở một số ngành như thép, vật liệu xây dựng, cơ khí...
Nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh được triển khai tích cực, đồng bộ trong năm 2023 - là tiền đề quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh năm 2024. Đồng thời, việc nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ, điều hành linh hoạt nhiều đợt giảm lãi suất, tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế, phí… sẽ có tác động tích cực trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong năm 2024.
Hoạt động xuất khẩu, bắt đầu xuất hiện tín hiệu phục hồi tích cực từ các tháng cuối năm 2023. Sang năm 2024, cùng với việc khai thác tốt các FTA hiện có, việc kết thúc đàm phán, triển khai các FTA với các thị trường mới như Israel, UAE... sẽ tiếp thêm cơ hội thúc đẩy thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam… Quan hệ chính trị tốt đẹp, được củng cố, nâng cấp với các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU - tạo tiền đề để hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được mở rộng.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư theo hướng chú trọng đổi mới, sáng tạo, đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, cũng tạo thêm cơ hội nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu giá trị cao của Việt Nam (trong tháng 12, Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, với triển vọng “Ổn định”).
Tuy nhiên, là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài, trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2024 - như đã phân tích ở trên.
Những thách thức đó, đòi hỏi ngành công thương không được lơ là, chủ quan, mà phải theo dõi chặt chẽ tình hình biến động sản xuất, cung - cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong năm 2024, cũng như giai đoạn 2021 - 2025.
Đào Trung Anh (Trường ĐHCN Việt - Hung)