Chiều 16/10, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 28, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Dự kiến Quốc hội bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp thứ 6 khóa XIV - Hình 1

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Quốc hội bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp

Trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, QH Khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp 6 dự kiến có thời gian làm việc là 24 ngày (khai mạc vào ngày 22/10 và bế mạc vào ngày 21/11).

Qua xin ý kiến ĐBQH, các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời đề nghị một số vấn đề cụ thể.

Đó là bổ sung các nội dung trình Quốc hội, gồm: Bầu Chủ tịch Nước; xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; xem xét, thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Đó là bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; xem xét, thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

“Quốc hội bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền. Xem xét, quyết định nhân sự thành viên Chính phủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm“, Tổng thư ký nói.

Theo chương trình, dự kiến, ngay ngày đầu kỳ họp (chiều 22/10), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ trình bày tờ trình dự kiến nhân sự Chủ tịch nước.

Ngày 23/10, Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước vào chiều cùng ngày. Tiếp đó, Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trước Quốc hội. Phiên này được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Sau khi bầu xong Chủ tịch nước, Quốc hội sẽ phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông bằng bỏ phiếu kín và công bố kết quả, thông qua nghị quyết phê chuẩn vào ngày 24/10.

Cũng theo dự kiến chương trình kỳ họp, trong 2 ngày (24 - 25/10), Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Chỉ tập trung chất vấn trong phạm vi nội dung chất vấn

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, dự kiến chương trình không bố trí tường thuật, phát thanh trực tiếp phiên thảo luận tại hội trường Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo.

Liên quan hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, để tránh chất vấn trở thành cuộc thảo luận, thì việc chất vấn và trả lời chất vấn phải trong khuôn khổ những vấn đề Chính phủ hứa.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chỉ tập trung chất vấn trong phạm vi nội dung chất vấn và trên nguyên tắc “hỏi ngắn, đáp gọn”. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong quá trình chất vấn sẽ có những vấn đề mới phát sinh, như giáo dục, thi cử… thì trong điều hành của Chủ tọa sẽ thể hiện sự linh động, tránh điều hành cứng nhắc.

Cho ý kiến về nội dung kỳ họp, theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, thông cáo báo chí cần cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí. Bà cũng đề nghị, các bộ trưởng, trưởng ngành nên tăng cường gặp gỡ báo chí để thông tin thêm về lĩnh vực mình phụ trách.

Cùng quan điểm, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chính phủ, các bộ trưởng, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ và chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.

“Bên hành lang Quốc hội, rất ít đại biểu Quốc hội chịu tiếp xúc với báo chí. Khi báo chí phỏng vấn cứ đưa tay từ chối. Nếu chúng ta là phóng viên đi phỏng vấn mà cứ bị lấy tay gạt đi thì khó chịu lắm”, bà Ngân nói và nhấn mạnh, phải tạo điều kiện để báo chí tác nghiệp theo đúng quy chế của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nói thêm, chúng ta phải thực hiện chủ trương nêu gương. Đại biểu Quốc hội cần tập trung họp, không "giao lưu, tiệc tùng". 

Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 6 dự án luật.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá về kinh tế xã hội; kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: Phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn. Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Đồng thời, xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dânTối cao; các báo cáo của Chính phủ về: Phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng, chống tham nhũng; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018...

“Nhìn chung, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện đặt ra để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp”, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, đến nay, phần lớn các nội dung trình Quốc hội đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Cũng theo Tổng thư ký Quốc hội, tại kỳ họp này chưa bổ sung Báo cáo việc quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội do thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết ngắn (3 tháng), nên chưa có nhiều thông tin để báo cáo Quốc hội, kỳ họp tháng 10/2019 sẽ yêu cầu Chính phủ báo cáo nội dung này.

PV