Tiềm năng phát triển mạnh mẽ

Việt Nam có những lợi thế nổi bật để phát triển du lịch nông nghiệp, đặc biệt là từ hệ sinh thái cảnh quan nông nghiệp đa dạng và giàu tính thẩm mỹ. Các khu vực sản xuất nông nghiệp không chỉ sở hữu một sự phong phú về chủng loài cây trồng mà còn mang đến một không gian "xanh, sạch, đẹp", được chăm sóc tỉ mỉ và ngày càng trở nên tươm tất. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp du khách có thể tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, hòa mình vào không gian sản xuất nông thôn, nơi mà các hoạt động nông nghiệp tạo ra những cảnh quan đẹp mắt và hấp dẫn.

Chuyên gia Dương Đức Minh, Viện Phó Viện Nghiên cứu Kinh tế và Du lịch TP. HCM
Chuyên gia Dương Đức Minh, Viện Phó Viện Nghiên cứu Kinh tế và Du lịch TP. HCM (Ảnh: Sông Trường)

Trả lời Tạp chí Thương hiệu và Công luận, chuyên gia Dương Đức Minh, Viện Phó Viện nghiên cứu Kinh tế và Du lịch TP. HCM nhận định về tiềm năng phát triển mạnh mẽ của du lịch nông nghiệp của Việt Nam:

“Nước ta có nền văn hóa sinh kế nông nghiệp, song hành với đó là các tập tục, thói quen sinh hoạt và tri thức bản địa độc đáo, không chỉ phản ánh một lối sống gắn bó với thiên nhiên mà còn là những giá trị văn hóa sâu sắc. Những câu chuyện ly kỳ từ cuộc sống nông dân, sự cần cù, sáng tạo và kiên nhẫn của họ sẽ là điểm thu hút du khách tìm đến để trải nghiệm, tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống.

Các lễ hội mùa màng, sự kiện thu hoạch, hay những ngày hội quảng bá sản phẩm nông nghiệp là những hoạt động thiết yếu trong việc tạo dựng những trải nghiệm du lịch nông nghiệp độc đáo. Những sự kiện này không chỉ mang tính chất văn hóa mà còn kích thích sự tò mò của du khách, mở ra cơ hội khám phá đời sống nông thôn và tạo ra những ấn tượng khó quên, đồng thời cũng thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm nông sản và tăng trưởng trong ngành du lịch.”

Từ góc độ chính sách, để khai thác những tiềm năng về nông nghiệp, nông thôn cho phát triển du lịch, Nghị quyết 82 của Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022.

Ngoài ra, các chương trình xây dựng nông thôn mới và OCOP đã tạo ra một bước đệm vững chắc, giúp giải mã và khai thác các giá trị của nông sản Việt Nam một cách hiệu quả. Đồng thời, những chính sách này cũng góp phần giải nén các nguồn lực, tạo động lực để kết nối cung ứng dịch vụ du lịch nông nghiệp ngày càng phong phú và hấp dẫn. Điều này không chỉ tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng mà còn gia tăng tính cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Một yếu tố quan trọng khác là sự chuyển mình trong thực hành nông nghiệp tại Việt Nam, với xu hướng phát triển nông nghiệp đa giá trị. Nông nghiệp không còn đơn thuần là sản xuất lương thực, mà đã trở thành ngành kết hợp các yếu tố bền vững, an toàn và thân thiện với môi trường. Sự chuyển đổi số trong nông nghiệp, cùng với việc ứng dụng công nghệ hiện đại, đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo ra những điểm đến du lịch nông nghiệp dễ tiếp cận, thuận tiện cho du khách. Những mô hình du lịch “thuận thiên”, “xanh” và “phát thải thấp” đang ngày càng trở nên phổ biến và trở thành lựa chọn hấp dẫn cho những người yêu thiên nhiên và mong muốn trải nghiệm các giá trị bền vững trong du lịch.

Ngoài ra, các ý tưởng sáng tạo trong du lịch nông nghiệp, đặc biệt là theo định hướng phát triển bền vững, đang nhận được sự khuyến khích mạnh mẽ. Đây chính là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam không chỉ mở rộng các kênh phân phối, mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Với những giá trị tích cực mà du lịch nông nghiệp mang lại, ngành du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng lợi thế cạnh tranh và nâng cao vị thế trong cộng đồng du lịch quốc tế.

Nhiều thành tựu nổi bật trong năm 2024

Trong 10 tháng đầu năm 2024, du lịch nông nghiệp đã ghi nhận những đóng góp đáng kể vào nền kinh tế và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam. Doanh thu từ lĩnh vực này ước tính chiếm khoảng 5% tổng doanh thu ngành du lịch, đạt con số 2,5 nghìn tỷ đồng. Điều này khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của du lịch nông nghiệp trong việc tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời đóng góp vào sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch quốc gia.

Làng rau Trà Quế nổi tiếng vì đa dạng chủng loại, đặc biệt có nhiều loại rau không nơi nào thơm ngon bằng
Làng rau Trà Quế nổi tiếng vì đa dạng chủng loại, đặc biệt có nhiều loại rau không nơi nào thơm ngon bằng

Một trong những điểm sáng nổi bật là việc Làng Rau Trà Quế (Quảng Nam) được công nhận là “Làng Du lịch Tốt nhất Thế giới 2024” bởi Tổ chức Du lịch Thế giới Liên Hợp Quốc (UN Tourism). Đây là một danh hiệu danh giá, giúp nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam trên trường quốc tế. Làng Trà Quế nổi tiếng với mô hình sản xuất rau truyền thống bền vững, kết hợp cùng các trải nghiệm du lịch như trồng rau, chăm sóc cây trồng và nấu ăn cùng người dân địa phương. Việc nhận được danh hiệu này không chỉ tăng cường lượng khách du lịch quốc tế đến Quảng Nam mà còn thúc đẩy các mô hình tương tự ở các tỉnh khác học hỏi và triển khai.

Ngoài ra, các mô hình du lịch nông nghiệp khác trên cả nước cũng đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tiêu biểu là tỉnh Trà Vinh có 3 mô hình du lịch nông nghiệp đang được triển khai vận hành khá tốt tại Cồn Chim (Huyện Châu Thành), Cồn Hô (Huyện Càng Long), Cồn Ông (Thị xã Duyên Hải). Bên cạnh Trà Vinh, còn có Đồng Tháp đang khẩn trương tái định vị và tái cấu trúc sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn liền với không gian làng hoa Sa Đéc và vùng phụ cận.

Cồn Ông thuộc xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có diện tích tự nhiên trên 1.000 hecta
Cồn Ông thuộc xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có diện tích tự nhiên trên 1.000 hecta

Bên cạnh những lợi ích kinh tế, du lịch nông nghiệp còn đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn văn hóa và tri thức bản địa. Thông qua các hoạt động như hướng dẫn tham quan nông trại, trình diễn kỹ thuật canh tác truyền thống và chia sẻ các câu chuyện di sản, du lịch nông nghiệp đã góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.

Những thành tựu này cho thấy du lịch nông nghiệp đang trên đà phát triển mạnh mẽ, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn tạo dựng thương hiệu Việt Nam như một điểm đến du lịch bền vững và sáng tạo.

“Tháo mác” du lịch giá rẻ để được “chắp cánh”

Du lịch nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu nhất định trong năm 2024. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia du lịch nhận định, những mô hình du lịch nông nghiệp ở nước ta vẫn còn đang manh mún, thiếu đồng nhất và vẫn chưa tháo được mác “du lịch giá rẻ”.

Du lịch nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi bật là tính mùa vụ và những hạn chế về tầm nhìn phát triển sản phẩm dài hạn. Tính mùa vụ của nông nghiệp khiến du lịch phụ thuộc vào thời điểm canh tác và thu hoạch, dẫn đến sự thiếu ổn định trong việc thu hút du khách quanh năm.

Ví dụ, các mùa hoa hoặc vụ thu hoạch đặc sản chỉ kéo dài vài tháng, tạo ra sự chênh lệch lớn trong doanh thu và cơ hội trải nghiệm. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo trong việc phát triển sản phẩm bổ sung và đa dạng hóa trải nghiệm để giữ chân du khách cả ngoài mùa cao điểm.

Làng hoa Sa Đéc hình thành từ cuối thế kỷ 19, nép mình thơ mộng bên dòng sông Tiền, trăm hoa bốn mùa đua nở
Làng hoa Sa Đéc hình thành từ cuối thế kỷ 19, nép mình thơ mộng bên dòng sông Tiền, trăm hoa bốn mùa đua nở

Để tháo gỡ mác “du lịch giá rẻ” nhằm “chắp cánh” cho du lịch nông nghiệp bền vững, Chuyên gia gia Dương Đức Minh, Viện Phó Viện Nghiên cứu Kinh tế và Du lịch TP. HCM cho rằng:

“Cần tập trung chuyển đổi từ chuỗi cung ứng dịch vụ truyền thống sang chuỗi giá trị du lịch, nơi mọi khâu trong hành trình trải nghiệm đều được nâng cấp để tạo ra giá trị gia tăng. Điều này bắt đầu bằng việc định hình các sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao, có tính khác biệt, như trải nghiệm tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ, khám phá văn hóa bản địa qua các lễ hội mùa màng, hay tận hưởng các không gian farmstay kết hợp nghỉ dưỡng cao cấp.

Đồng thời, các điểm đến cần tích hợp công nghệ hiện đại, như ứng dụng chuyển đổi số trong đặt chỗ, hướng dẫn tham quan thông minh và sử dụng các nền tảng trực tuyến để tăng khả năng tiếp cận với khách hàng quốc tế. Chuỗi giá trị du lịch cần được mở rộng qua việc đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao, và thúc đẩy liên kết giữa các bên liên quan, từ nông dân, doanh nghiệp lữ hành, đến các nhà cung cấp dịch vụ.”

Quan trọng hơn, thay vì chỉ cung cấp các dịch vụ đơn lẻ, cần tạo ra các gói sản phẩm có sự kết hợp giữa trải nghiệm nông nghiệp, văn hóa, ẩm thực, và nghỉ dưỡng, giúp du khách cảm nhận được giá trị đích thực của loại hình du lịch này. Chính sách hỗ trợ từ chính phủ, cùng với chiến lược quảng bá mạnh mẽ và xây dựng thương hiệu điểm đến, sẽ giúp du lịch nông nghiệp vượt ra khỏi khuôn khổ giá rẻ, vươn lên thành một loại hình du lịch cao cấp, bền vững, và đóng góp mạnh mẽ vào nền kinh tế địa phương.

Thời cơ lớn cho du lịch nông nghiệp Việt Nam trong những năm tới đến từ chính lợi thế truyền thống sản xuất nông nghiệp phong phú, đa dạng và sự trỗi dậy của xu hướng kết nối hệ sinh thái nông nghiệp của du khách hiện đại. Việt Nam sở hữu nền nông nghiệp lâu đời với nhiều sản phẩm nổi tiếng như gạo, cà phê, trái cây nhiệt đới và những làng nghề truyền thống. Các yếu tố này không chỉ là tài nguyên, mà còn là di sản văn hóa, tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với du khách muốn trải nghiệm sâu sắc đời sống và phong tục bản địa.

Bên cạnh đó, xu hướng du lịch hiện đại đề cao trải nghiệm cá nhân hóa, thân thiện với môi trường và gắn liền với những giá trị bền vững. Du khách ngày nay không chỉ muốn tham quan mà còn mong muốn hòa mình vào hệ sinh thái nông nghiệp, tham gia vào các hoạt động như gieo trồng, thu hoạch, hoặc thưởng thức sản vật ngay tại nơi sản xuất. Điều này tạo ra cơ hội kết nối sâu sắc giữa người làm du lịch, người sản xuất nông nghiệp và du khách, hình thành chuỗi giá trị bền vững.

Tuy nhiên, để tận dụng thời cơ này, cần phát triển những sản phẩm du lịch đặc sắc hơn, nâng cấp cơ sở hạ tầng và không ngừng đổi mới sáng tạo để mỗi chuyến đi không chỉ là một trải nghiệm mà còn là sự gắn kết chặt chẽ với hệ sinh thái nông nghiệp và văn hóa địa phương. Điều này sẽ giúp du lịch nông nghiệp Việt Nam không chỉ thu hút mà còn giữ chân du khách, từ đó khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế.

Sông Trường