Quang cảnh hội nghị phát triển sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu du lịch quốc gia trong liên kết vùng Bắc Trung Bộ.
Quang cảnh hội nghị phát triển sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu du lịch quốc gia trong liên kết vùng Bắc Trung Bộ. (Ảnh: P.T)

Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch, cùng đại diện các hội, hiệp hội du lịch.

Là tỉnh lớn nhất cả nước và nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên và văn hóa đặc sắc. Đường bờ biển dài hơn 82 km với các bãi biển nổi tiếng như Cửa Lò, Cửa Hội, Bãi Lữ... là điểm đến lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng và thể thao nước. Bên cạnh đó, khu rừng quốc gia Pù Mát thuộc khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An – được UNESCO công nhận – là địa điểm thu hút khách yêu thích du lịch sinh thái.

Ngoài thiên nhiên, Nghệ An còn nổi bật với di sản văn hóa và lịch sử phong phú. Đây là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều di tích quan trọng như làng Sen, khu di tích Kim Liên. Nghệ thuật hát Ví, Giặm Nghệ Tĩnh – di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng với đó là các lễ hội truyền thống và văn hóa dân tộc thiểu số đã tạo nên sức hút độc đáo.

Hạ tầng giao thông hiện đại gồm: Sân bay Vinh, cảng biển Cửa Lò, hệ thống đường bộ, đường sắt và cửa khẩu quốc tế với Lào, giúp Nghệ An dễ dàng kết nối với các tỉnh trong nước và quốc tế.

Trong 11 tháng đầu năm 2024, Nghệ An đón hơn 9,1 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023, với doanh thu du lịch ước đạt gần 27.841 tỷ đồng. Sự phát triển này một phần đến từ việc đẩy mạnh liên kết vùng Bắc Trung Bộ, tạo ra các tuyến du lịch đa dạng như Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình – Thanh Hóa – Ninh Bình.

Liên kết vùng không chỉ mở rộng không gian du lịch mà còn phát huy thế mạnh địa phương, hình thành các sản phẩm đa dạng và tăng cường quảng bá điểm đến chung. Các tỉnh Bắc Trung Bộ với địa hình đa dạng từ đồng bằng, đồi núi đến bãi biển đã tạo cơ hội cho nhiều loại hình du lịch phong phú.

Cục trưởng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, để định vị thương hiệu du lịch Nghệ An trong vùng Bắc Trung Bộ, cần phát triển sản phẩm đặc trưng, gắn với bảo tồn giá trị văn hóa và môi trường. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ và phát triển du lịch thông minh cũng là hướng đi quan trọng. Đồng thời, tỉnh cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là hướng dẫn viên địa phương am hiểu văn hóa, lịch sử; đẩy mạnh truyền thông quảng bá qua các sự kiện quốc gia, quốc tế và các kênh truyền thông hiện đại.

Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm du lịch mới như: Du lịch xanh, du lịch cộng đồng và du lịch sáng tạo, kết hợp giữa di sản và công nghệ…

Với chiến lược xây dựng hình ảnh “Nghệ An - điểm đến của di sản, thiên nhiên và trải nghiệm cộng đồng”, tỉnh đang tạo ra dấu ấn riêng trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.

Lê Quyết