Mặc dù đã có nhiều điểm đổi mới, nhưng theo nhiều chuyên gia, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người dân.
Mất đất vẫn bị đứng ngoài cuộc
Trao đổi về nội dung của bản Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, ông Phạm Ngọc Thành, Chủ tịch Liên minh đất đai (LANDA) cho rằng, người dân vẫn chưa có được tiếng nói quyết định đối với cuộc sống và sinh kế của mình khi đất đai bị thu hồi. Thực thi Luật Đất đai 2003 cho thấy, người có đất bị thu hồi thường bị coi là người ngoài cuộc.
Kết quả tham vấn cộng đồng trực tiếp do LANDA thực hiện cho thấy, nguyện vọng sâu xa của người dân là chính sách đất đai và cơ chế chuyển dịch đất đai cần đảm bảo cuộc sống và sinh kế của họ, đặc biệt là nông dân sản xuất nhỏ, người nghèo, phụ nữ và người dân tộc thiểu số. Người dân cần được biết thông tin, được tham gia và được đồng thuận trước những quyết định về đất đai có ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Mặc dù, thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội nhưng thực tế cuộc sống của những người có đất bị thu hồi thường trở nên khó khăn hơn do mất sinh kế, không tìm được việc làm thay thế, nhiều gia đình vì vậy bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng nông thôn, cho biết: “Người dân muốn Nhà nước đảm bảo quỹ đất, đặc biệt đất nông nghiệp cho nông dân sản xuất nhỏ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ”.
LANDA cho rằng, Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng phục vụ cho lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. “Điều này có nghĩa là không áp dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Các dự án vì lợi ích kinh tế của nhà đầu tư mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, cần áp dụng cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất. Mức đồng thuận cần đạt 70%.
Làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích
GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, khi xây dựng Luật Đất đai thì việc lấy ý kiến của người dân là vô cùng quan trọng, nhất là khi định giá và thu hồi đất. Điều quan trọng là đưa vào Luật Đất đai giá trị ý kiến của người dân. Ý kiến của dân không thể là lấy ý kiến của xã hoặc trưởng thôn vì xã thực tế không đại diện cho ý kiến của toàn dân. Làm luật phải dựa vào cộng đồng, còn định nghĩa cộng đồng như thế nào thì còn phụ thuộc vào từng trường hợp. Về việc thu hồi đất, cái gì vì lợi ích công thì Nhà nước thu hồi, cái gì không vì lợi ích công thì Nhà nước không thu hồi.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch LANDA cho rằng, khi sửa Luật Đất đai cần sao cho có lợi nhất cho người dân, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Về định giá đất, LANDA đề nghị không trao quyền định giá đất cho UBND cấp tỉnh. Cần thành lập cơ quan định giá đất quốc gia trực thuộc Trung ương, Chính phủ hoặc Quốc hội. Người bị thu hồi đất có quyền tham gia giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập tham gia đấu thầu định giá đất để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Đặc biệt, Luật Đất đai cần quy định nguyên tắc và tỷ lệ đồng thuận của người dân đối với các quyết định về đất đai có ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ. Cụ thể, quy hoạch sử dụng đất thì cấp huyện chỉ được phê duyệt khi có sự đồng thuận của 70% người dân địa phương nơi quy hoạch. Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chỉ được phê duyệt khi có sự đồng thuận của 70% người bị thu hồi đất.
“Lấy được sự đồng thuận của người dân rất đơn giản miễn là dự án không vì lợi ích riêng của ai và thông tin minh bạch. Nếu người dân có phần đất trong dự án quy hoạch, đóng góp vào quá trình phát triển khu đô thị đó thì tôi tin là đạt được sự đồng thuận không khó. Ngược lại, tôi tin người dân còn có những góp ý sắc sảo khi được lấy ý kiến. Chúng ta nên dùng cơ chế chia sẻ lợi ích và đạt được sự đồng thuận của dân trong luật đất đai sửa đổi”, GS. Đặng Hùng Võ cho biết.
Tuyết Hoa