Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/1 (mùng 4 và mùng 5 tháng giêng), nhằm ôn lại lịch sử hào hùng của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Đồng thời, tri ân công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ cùng các tướng sĩ Nhà Tây Sơn.
Ông Nguyễn Hùng Vỹ-Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã An Khê ôn lại trang sử hào hùng của cuộc Khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn
Trong không khí đầy trang nghiêm, thay mặt lãnh đạo thị xã An Khê, ông Nguyễn Hùng Vỹ-Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã đã đọc bài diễn văn ôn lại trang sử hào hùng của cuộc Khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn; tưởng nhớ đến Tây Sơn tam kiệt và tri ân công lao to lớn của vua Quang Trung-Nguyễn Huệ cùng các tướng sĩ.
Dưới tượng đài uy nghiêm của Hoàng đế Quang Trung, các đại biểu lần lượt dâng những lẵng hoa tươi thắm, kính cẩn nghiêng mình ghi ơn công lao to lớn của người anh hùng “áo vải cờ đào”. Lễ dâng hương tưởng niệm 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và các tướng sĩ Nhà Tây Sơn được diễn ra ngay sau đó tại khu vực điện thờ theo đúng nghi thức truyền thống trong tiếng trống, chiêng, nhạc lễ.
Các đại biểu dâng hoa tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng "áo vải"
Tại Lễ hội Tây Sơn, bên cạnh phần nghi lễ là phần hội với những hoạt động văn hóa đặc sắc như: Biểu diễn võ cổ truyền, đấu võ đài, nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ, mối đoàn kết của những người con đất Việt, giữa miền xuôi và miền ngược, người Kinh và người Thượng...
Hoạt cảnh tái hiện Lễ Chiêu binh tụ nghĩa, chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa
Đặc biệt, thị xã An Khê tiếp tục tổ chức Hội Cầu Huê của người Việt vùng An Khê, nhằm phục dựng lại phần cơ bản nhất của Hội Cầu huê gồm: hát cầu huê, các trò chơi dân gian, phiên chợ Kinh-Thượng…, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, mua may bán đắt, mong cầu cho Quốc thái dân an, gia đạo bình yên, thịnh vượng…. Góp phần phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, lịch sử và tạo nơi vui xuân ý nghĩa cho nhân dân và du khách gần xa trẩy hội, mỗi dịp Tết đến Xuân về. Điểm nhấn trong hội Cầu Huê năm nay vẫn là phiên chợ Kinh-Thượng với gần 70 gian hàng bày bán các sản phẩm đặc trưng của đất An Khê xưa như: rau xanh, trái cây, lúa, gạo, rượu cần, váy áo thổ cẩm, cơm lam - gà nướng... Phiên chợ diễn ra xuyên suốt trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 tháng giêng. So với năm trước, hội Cầu Huê 2020 quy mô hoành tráng hơn, người dân đến tham quan cũng đông hơn.
Phiên chợ Kinh-Thượng với các gian hàng được bày bán các sản phẩm đặc trưng của vùng miền
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê-cho biết: An Khê là vùng đất giàu truyền thống văn hóa-lịch sử nên thị xã luôn xác định việc duy trì và phát huy các hoạt động lễ hội trên địa bàn. Hôm nay, ngoài ôn lại truyền thống hào hùng Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa của anh em Nhà Tây Sơn, chúng tôi còn khai hội Cầu Huê của người Việt xưa. Các hoạt động năm nay được chuẩn bị chu đáo, quy mô hơn với sự tham gia các huyện bạn trong vùng, trong tỉnh và của tỉnh Bình Định. Không chỉ tạo không gian vui Xuân lành mạnh cho nhân dân trong dịp Tết mà qua đây, thị xã còn mong muốn cùng với tỉnh và các địa phương còn lại bảo tồn giá trị văn hóa-lịch sử gắn với phát triển du lịch vùng Tây Sơn Thượng đạo.
Biểu diễn võ cổ truyền tại Hội Cầu Huê
Phần hội sẽ diễn ra xuyên suốt trong 2 ngày với các trò chơi dân gian, hát bài chòi. Đặc biệt, phần biểu diễn cồng chiêng đường phố và đêm hội cồng chiêng đã để lại nhiều ấn tượng đặc biệt trong lòng người dân thị xã và du khách xa gần. Hội Cầu Huê là một lễ hội đặc sắc trong di sản văn hoá phi vật thể của cư dân An Khê-Tây Sơn Thượng đạo xưa, thể hiện rõ nét nhất tình đoàn kết Kinh –Thượng keo sơn gắn bó.
Kim Yến