THCL Sáng mùng 4 Tết Đinh Dậu (ngày 31/01/2017) người dân An Khê và du khách cả nước lại náo nức du xuân lễ hội Tết Đống Đa tại Đình An Lũy (An Khê Trường), thị xã An Khê (Gia Lai) để tưởng nhớ phong trào khởi nghĩa của Nông dân Tây Sơn (1773)  và chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789).

Lễ hội Tết Đống Đa (Gia Lai): Tái hiện Hội Hát cầu huê sau hơn 60 năm mai một - Hình 1

Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Phó bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã An Khê đọc diễn văn kỷ niệm

Đây là dịp để mỗi chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng, oanh liệt của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nói chung và sự nghiệp vĩ đại của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, người Anh hùng dân tộc, vị lãnh tụ kiệt xuất của triều đại Tây Sơn nói riêng.

Đặc biệt, trong dịp này để tạo điểm vui Xuân ý nghĩa cho nhân dân thị xã và các huyện lân cận, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của người Kinh vùng An Khê, Hội hát cầu huê của người Việt vùng An Khê đã được tái hiện trên chính vùng đất mà lễ hội này được khởi sinh sau hơn 60 năm mai một.

Cách đây 244 năm (1773-2017) về trước, từ căn cứ địa ban đầu tại vùng đất An Khê - Tây Sơn Thượng Đạo, cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi xướng, lãnh đạo đã đã được người dân trong vùng hưởng ứng, đặc biệt là các bộ tộc người Thượng Bahnar, Jarai vùng Tây Nguyên tham gia tích cực, đã trở thành một cuộc chiến tranh nông dân với quy mô rộng khắp chống lại chế độ triều đình mục nát.

Từ đây, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nhanh chóng phát triển thành một quân đội Tây Sơn hùng mạnh, bách chiến, bách thắng, với những chiến công lẫy lừng Rạch Gầm, Xoài Mút… mà đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử năm 1789, quân đội Tây Sơn do người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ lãnh đạo đã quét sạch 5 vạn quân Xiêm và 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược ra khỏi đất nước ta, thống nhất giang sơn đã tô thêm một trang sử hào hùng, chói lọi của truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Lễ hội Tết Đống Đa (Gia Lai): Tái hiện Hội Hát cầu huê sau hơn 60 năm mai một - Hình 2

Dâng hương, dâng hoa tại Tượng đài Quang Trung và An Khê Trường

Để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của tướng, sỹ phong trào Tây Sơn và vị Anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ; ôn lại truyền thống quật khởi hào hùng của phong trào nông dân Tây Sơn và tinh thần bách chiến, bách thắng của nghĩa quân Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước, sáng mùng 4 Tết Đinh Dậu, tại Đình An Lũy (tổ 14, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, Gia Lai), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã An Khê long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 244 năm Khởi nghĩa Nông dâ Tây Sơn (1773 - 2007) và 228 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2017) và tái hiện Hội Hát cầu huê của người Việt vùng An Khê năm 2017.

Đây vốn là một hoạt động quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt vùng An Khê trong thời kỳ đầu vượt đèo An Khê hiểm trở lên khẩn hoang lập ấp trên vùng đất mới.

Đây là lễ hội diễn ra thường niên, nên ngay từ sáng sớm, người dân khắp nơi đã đổ về An Khê Trường và chờ đợi đến giờ khai mạc Lễ hội. Phần Lễ diễn ra trang trọng và tôn nghiêm với phần đọc diễn văn kỷ niệm của ông Nguyễn Hùng Vỹ Phó Bí thư Thị ủy – Chủ tịch UBND thị xã An Khê, cả khu vực rộng lớn, cờ lọng, nghi trượng rợp trời, chiêng trống rền vang... Người dự lễ như cảm thấy lòng mình hòa nhập vào hồn thiêng sông núi địa linh nhân kiệt.

Để tỏ lòng tri ân công lao to lớn của tướng, sỹ phong trào Tây Sơn và vị Anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ, ngay sau đó là phần dâng hoa và dâng hương tại Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Sau phần lễ là phần hội với phần tái hiện Hội hát cầu huê của người Việt vùng An Khê. Trước khi quân Chúa Nguyễn hai lần vượt sông Gianh đánh chiếm Nghệ An (1653 - 1657) bắt tù binh đưa lên vùng đất An Khê, thì vùng đất này chỉ có các dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó, chủ yếu là người Bahnar. Từ sự có mặt của những người Việt (Kinh) đầu tiên này, người miền xuôi Bình Định – Quảng Ngãi lên An Khê buôn bán, lập nghiệp ngày càng đông.

Lễ hội Tết Đống Đa (Gia Lai): Tái hiện Hội Hát cầu huê sau hơn 60 năm mai một - Hình 3

Hội hát cầu huê của người Việt vùng An Khê

Theo quan niệm của cha ông ta “Đất có dân, thần có chủ” nên hệ thống đình, miếu thờ thành hoàng, thờ thần linh….dần được các làng lập nên. Đình An Lũy cùng những lễ hội cúng, tế liên quan đã xuất hiện từ ấy. Ban đầu, đình An Lũy được cất bằng tranh tre nứa lá, sau nhiều lần trùng tu cả đình trong và đình ngoài mới có được diện mạo khang trang như ngày nay. Gắn liền sinh hoạt tín ngưỡng - tôn giáo tại đình An Lũy này là lễ hội mùa xuân của người dân vùng đất An Khê.

Đây là mùa đem đến một bầu không khí mới trên khắp đất trời, cây cỏ đâm chồi nảy lộc, nở hoa, con người cảm thấy phấn khởi rạo rực, nhịp sống như được tăng lên gấp bội; là thời gian rảnh rỗi nhàn hạ, người dân có thể tham gia lễ hội vui vẻ, thoải mái không phải lo lắng đến công việc.

Từ nửa đầu thế kỷ XX về trước, hội Hát cầu Huê trong khuôn khổ lễ hội Tế Xuân (Quý Xuân) là lễ hội lớn nhất trong các hoạt động lễ hội của người Việt ở An Khê, mà trung tâm là ấp Tây Sơn Nhất – tức thôn An Lũy – nay là tổ 14, phường Tây Sơn, thị xã An Khê. Thời điểm chính của lễ hội là ngày 10 tháng 2 (âm lịch) hàng năm, khi nhân dân tổ chức Tế Xuân ở đình An Lũy. Tuy nhiên, hơn 60 năm qua, lễ hội này gần như đã không còn tồn tại, đặc biệt là hoạt động của khu vực chợ Kinh – Thượng tại Gò Chợ đã mất hẳn.

Hiện nay, ở An Khê chỉ còn rất ít người từng được chứng kiến hoặc được nghe kể về lễ hội này. Trong tâm thức của họ, lễ hội chỉ còn là một miền ký ức lờ mờ. Một lễ hội đặc sắc trong di sản văn hóa phi vật thể, thể hiện rõ nét nhất tình đoàn kết Kinh – Thượng trong buổi đầu người Việt tiến lên lập nghiệp trên vùng sơn nguyên phía Tây của tổ quốc – vùng đất An Khê ngày nay đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền. Chính vì điều đó, “Hội hát cầu huê của người Việt vùng An Khê ” nhằm tái hiện lại phần cơ bản nhất không gian lễ Quý Xuân truyền thống của người An Khê – Hội hát cầu huê gồm: các trò chơi dân gian; chợ Kinh – Thượng; hát cầu huê (gồm hát bội, hát bài chòi, cồng chiêng….).

Cùng với việc tái hiện hội hát, những người thực hiện cũng mong muốn tạo được một không gian du xuân vui tươi lành mạnh, gây ấn tượng sâu sắc về lễ hội mùa xuân của người Việt trong dịp tết Đinh Dậu cho nhân dân thị xã An Khê.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Vân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho biết: “Sau hơn 60 năm thất truyền vì nhiều lý do, việc phục dựng lễ hội này có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn văn hóa và duy trì mối quan hệ đoàn kết đã có hàng trăm năm giữa người Kinh và người Thượng. Đặc biệt đây là lần đầu tiên, Hội hát cầu huê được phục dựng ngay trên mảnh đất sinh ra lễ hội này. Niềm vui lớn nhất của tôi hôm nay là Hội hát cầu huê này được trở về trên chính quê hương của nó”.

Lễ hội Tết Đống Đa (Gia Lai): Tái hiện Hội Hát cầu huê sau hơn 60 năm mai một - Hình 4

Hội Hát cầu huê được tái hiện là dịp để tạo không gian vui xuân lành mạnh, vui tươi cho đồng bào các dân tộc thị xã An Khê nói riêng và các dân tộc tỉnh Gia Lai nói chung. Cũng qua đó, giúp nhân dân hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của vùng đất, củng cố, phát huy tình đoàn kết, xây dựng thị xã An Khê xứng đáng là trung tâm, là vùng kinh tế động lực của các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai, vừa đậm đà bản sắc văn hóa.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê nói: “Cán bộ, nhân dân trên địa bàn An Khê quyết tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử trên vùng đất Tây Sơn thượng. Qua bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, chúng tôi cũng giáo dục cho thế hệ trẻ, thanh niên về những giá trị văn hóa, làm nền tảng cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung, đặc biệt là du lịch trên vùng đất Tây Sơn thượng”.

Ngày nay, đi dự lễ hội Tết Đống Đa đối với người dân vùng đất An Khê - Tây Sơn Thượng Đạo đã trở thành niềm tự hào và cũng là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong những ngày đầu xuân.

 Kim Minh