Thủ tướng Olaf Scholz dự kiến hạ cánh tại Uzbekistan vào hôm nay, 15/9 và sau đó một ngày, đến Kazakhstan. Như vậy, ông trở thành Thủ tướng Đức đầu tiên đến thăm Uzbekistan sau 22 năm và Kazakhstan sau 14 năm.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ thăm Uzbekistan và Kazakhstan từ ngày 15-17/9.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm Uzbekistan và Kazakhstan từ ngày 15-17/9.

Trong chuyến đi kéo dài ba ngày (15-17/9), ông Olaf Scholz ​​sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh C5+1 với các nhà lãnh đạo Kazakhstan, Uzbekistan, Kirgizia, Tajikistan và Turkmenistan. Đây là lần thứ hai diễn ra cuộc họp giữa hai bên theo mô hình này, sau khi trình làng vào năm ngoái tại Berlin.

Mối quan tâm mới đối với khu vực này phù hợp với ưu tiên của Thủ tướng Olaf Scholz trong việc tìm kiếm liên kết chặt chẽ hơn với các quốc gia nhỏ hơn, một phần do sự phụ thuộc quá mức của Đức vào các cường quốc như: Mỹ, Trung Quốc và Nga đã gây ra nhiều vấn đề. Bản thân nhà lãnh đạo Đức nhiều lần tuyên bố rằng, ông đang chuẩn bị cho một thế giới “sẽ trở nên đa cực”.

Trên thực tế, các nước Trung Á trở thành trọng tâm mới trong hoạt động ngoại giao của ông Olaf Scholz, bên cạnh các nền kinh tế mới nổi đáng chú ý hơn như Brazil, Ấn Độ và một số quốc gia Châu Phi.

Theo một nguồn tin chính phủ Đức, vào tháng 9/2023, Trung Á đã trở thành khu vực đầu tiên mà Berlin tham gia vào quan hệ đối tác khu vực, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, khí hậu và môi trường.

Berlin đặc biệt quan tâm các lĩnh vực năng lượng và kinh tế. Nguồn tin trên cho hay, với Kazakhstan, “điều này có nghĩa là một cơ hội để thay thế dầu của Nga. Tất nhiên, rõ ràng là trữ lượng khí đốt trong khu vực cũng sẽ được giải quyết”.

Còn về Uzbekistan, nước này đã “phát triển tích cực về mặt kinh tế”. Berlin dự kiến ký một thỏa thuận di cư với Tashkent, hướng tới tuyển dụng lao động có tay nghề cao tại Đức.

Một lĩnh vực quan trọng khác là địa chính trị. 5 nước Trung Á có vị trí địa lý và lịch sử gần gũi với Nga, cho đến nay vẫn từ chối công khai đứng về phe nào trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tuy nhiên, đối với Đức, kinh nghiệm trong việc ứng xử với Nga là tối quan trọng, vì sự nghiệp của nhiều nhà lãnh đạo hiện đang giữ các vị trí chủ chốt tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có liên quan đến Moscow.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và nguyên thủ 5 nước Trung Á tại Hội nghị thượng đỉnh C5+1 vào tháng 9/2023 tại Berlin. (Nguồn: Akorda)
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và nguyên thủ 5 nước Trung Á tại Hội nghị thượng đỉnh C5+1 vào tháng 9/2023 tại Berlin. Nguồn Akorda.

Điều rất thú vị đối với Thủ tướng là lắng nghe các đối tác của mình trong các cuộc trò chuyện bí mật về cách họ đánh giá tình hình và cách họ đánh giá các diễn biến ở Nga", nguồn tin cho biết.

Cũng theo nguồn tin, các lệnh trừng phạt sẽ được giải quyết "một cách phù hợp", nhưng mục đích sẽ không phải là "lời nói suông" từ các nhà lãnh đạo.

Liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, Thủ tướng Olaf Scholz đang đối mặt sự phản đối ngày càng gia tăng trong nước về sự ủng hộ của chính phủ dành cho Kiev, trong đó có việc cung cấp tài chính và vũ khí. Một số thành viên trong đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền thậm chí kêu gọi ông tập trung nhiều hơn vào "giải pháp ngoại giao" với Nga.

Hơn 30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, Moscow vẫn duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ ở Trung Á, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh, kinh tế và năng lượng. Việc Đức đang tìm kiếm thêm lợi ích chiến lược và địa chính trị ở khu vực mà Nga coi là “vùng đệm” của mình, âu cũng là một bước đi khéo léo.

Chưa kể, việc duy trì động lực tích cực với các quốc gia Trung Á không chỉ vì lợi ích của Đức mà cả Liên minh Châu Âu (EU). Nếu không, Đức và EU có nguy cơ mất đi ảnh hưởng địa chính trị và địa kinh tế, đồng thời bỏ lỡ cơ hội tận dụng một địa bàn của trật tự thế giới đa cực mới để tăng cường hợp tác quốc tế.

Theo Euractiv, DW