Cụ thể hóa nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai nước
Ngày 24-27/6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc. Xin Đại sứ đánh giá về ý nghĩa và kết quả chuyến công tác cũng như các cuộc tiếp xúc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc?
Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba: Trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc và dự Hội nghị WEF 2024, đồng thời gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng như các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, đây là các cuộc tiếp xúc vô cùng quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam-Trung Quốc, thể hiện sự ủng hộ của phía Việt Nam đối với các sự kiện quốc tế do Trung Quốc đăng cai.
Tại các cuộc gặp và tiếp xúc, hai bên đã điểm lại sự hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; đi sâu trao đổi về mặt chiến lược và đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng; đánh giá tích cực những thành quả mà hai phía Việt Nam-Trung Quốc đã đạt được về mặt xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình vào năm 2023, cũng như vạch ra lộ trình hợp tác trên tất cả các lĩnh vực một cách toàn diện của hai nước trong thời gian tới.
Đồng thời, lãnh đạo hai nước đã trao đổi sâu sắc về xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, thúc đẩy xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời đại mới, giai đoạn mới, cũng như các nội dung quan trọng về cải cách, đổi mới của hai bên và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Chuyến thăm và làm việc lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung quan trọng của hai lãnh đạo cao nhất hai Đảng, cũng như của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, nhất là nội dung trong các Tuyên bố chung, các văn kiện và thỏa thuận chung; nhằm giữ gìn và thúc đẩy hơn nữa đà phát triển tích cực hiện có của hai nước.
Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế khu vực và thế giới
Hội nghị WEF Đại Liên năm nay đánh dấu lần thứ 3 liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên của WEF. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, Đại sứ có đánh giá gì về các thông diệp mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra trong bài phát biểu và những đóng góp của Việt Nam cho WEF?
Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Trung Quốc lần này theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Tế giới (WEF) Klaus Schwab, điều này đã thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Trung Quốc, cũng như sự coi trọng của Tổ chức WEF đối với Việt Nam, chứng minh vai trò và sức ảnh hưởng của Việt Nam đối với nền kinh tế thế giới.
Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính là khách mời quan trọng của Diễn đàn, đã cùng với Tổng thống Ba Lan, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Chủ tịch WEF ngồi bàn Chủ tịch dự Lễ khai mạc Hội nghị thường niên lần này. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có một bài phát biểu rất quan trọng, cá nhân tôi cho rằng bài phát biểu này rất tuyệt vời, nhất là tại một Diễn đàn, một vũ đài quốc tế quan trọng với hơn 1.700 khách quốc tế đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại...
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giới thiệu về thành tựu phát triển của Việt Nam một cách toàn diện, bao gồm thúc đẩy kinh tế-xã hội, công cuộc đổi mới cũng như mục tiêu phát triển trong thời gian tới; hoan nghênh doanh nghiệp các nước đầu tư vào Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao thành tựu phát triển của Trung Quốc, nhất là vai trò của Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Điều này thể hiện tầm nhìn chung của Việt Nam và Trung Quốc đối với một số vấn đề mang tính toàn cầu. Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất quan trọng và nhận được sự hoan nghênh của các nước tham dự.
Về phía Trung Quốc, đánh giá cao những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã giành được trong thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhất là về xây dựng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đã vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển một cách lành mạnh; nền kinh tế của Việt Nam đang trên đà phát triển tích cực. Hiện nay, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vào top 40 thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lọt vào top 20 thế giới. Các bên đều đánh giá mức tăng GDP của Việt Nam năm nay sẽ vượt 6%.
Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế khu vực và trên thế giới, đó cũng là lý do Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong số ít Người đứng đầu Chính phủ 3 lần liên tiếp được mời tham dự Diễn đàn WEF.
Hợp tác phát triển hạ tầng giao thông mang ý nghĩa chiến lược
Trong chuyến công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự "Hội nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc", tiếp lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng giao thông hàng đầu Trung Quốc. Theo Đại sứ, những hoạt động này mở ra những cơ hội nào cho hợp tác hai nước, nhất là trong lĩnh vực phát triển hạ tầng chiến lược giao thông?
Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba: Phát triển và kết nối hạ tầng giao thông, nhất là các hệ thống đường sắt qua biên giới là lĩnh vực ưu tiên mà hai nước Việt Nam- Trung Quốc đã đạt được thống nhất và hai bên đều rất coi trọng. Trong thời gian thăm Trung Quốc và dự Diễn đàn WEF Đại Liên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị "Hội nghị hợp tác Việt Nam- Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc", một Hội nghị được tổ chức long trọng và rất thành công. Đặc biệt, hội nghị lần này thu hút rất nhiều người đứng đầu các doanh nghiệp, Chủ tịch các tập đoàn lớn về lĩnh vực hạ tầng giao thông tham dự sự kiện. Chính phủ Trung Quốc cũng đặc biệt coi trọng Hội nghị lần này và đã phân công một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc tham dự và phát biểu.
Tăng cường kết nối về hạ tầng giao thông phù hợp với yêu cầu hai bên cũng như nhu cầu phát triển của phía Việt Nam trong thời gian tới. Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã coi việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược trong tương lai.
Phía Trung Quốc rất coi trọng hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực này, đặc biệt các dự án phía bắc Việt Nam và khu vực biên giới hai nước. Hiện nay Trung Quốc đã hỗ trợ Việt Nam hoàn thành quy hoạch đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Sau khi phía Việt Nam hoàn thành công tác chuẩn bị, phía Trung Quốc sẵn sàng triển khai nghiên cứu khả thi đối với các dự án. Phía Trung Quốc sẵn sàng sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại để giúp Việt Nam xây dựng quy hoạch hai dự án đường sắt Đồng Đăng-Hà Nội và Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng trong thời gian tới. Tôi nghĩ rằng, những dự án này sẽ góp phần quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Các nội dung hợp tác trên hết sức có ý nghĩa, mang tính chiến lược, thể hiện sự tin cậy chính trị rất cao của hai nước, làm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Sau khi tăng cường kết nối và hoàn thành các dự án đường sắt liên vận, Việt Nam sẽ là cầu nối quan trọng kết nối với các nước châu Âu, Trung Á và ASEAN. Đây cũng là biểu hiện sinh động của cộng đồng chia sẻ tương lai, có ý nghĩa chiến lược của hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị, truyền thống Việt Nam-Trung Quốc
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt nền móng tốt đẹp hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc vào năm 2025. Đại sứ có kỳ vọng gì về quan hệ hai nước Việt-Trung?
Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba: Thời gian vừa qua, đặc biệt sau hai chuyến thăm mang tính lịch sử của hai nhà lãnh đạo đứng đầu hai Đảng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, quan hệ hai nước tiến lên một tầm cao mới, hợp tác trên các lĩnh vực của hai bên đã bước vào giai đoạn quan trọng mới.
Ngày 18/1/2025, Việt Nam và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là một sự kiện rất quan trọng được hai nước coi trọng, diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đang trên đà phát triển tích cực; các cuộc tiếp xúc cấp cao hai bên sẽ ngày càng mật thiết hơn.
Đặc biệt trong năm tới 2025- năm Việt Nam chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV, tôi tin rằng hai bên sẽ tăng cường hơn nữa trao đổi về xây dựng đảng, quản lý đất nước, chia sẻ về công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa của Trung Quốc; hướng tới xây dựng các quy hoạch trung, dài hạn cũng như thực hiện hai mục tiêu 100 năm của hai nước.
Việt Nam đã đặt mục tiêu trước năm 2030, xây dựng Việt Nam trở thành một nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao, có công nghiệp hiện đại, tôi tin rằng trong thời gian tới sự hợp giữa hai bên về các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng xanh, năng lượng sạch, kinh tế số sẽ được tiếp tục thúc đẩy phát triển, góp phần giúp Việt Nam thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra.
Đại sứ Hùng Ba bày tỏ tin tưởng chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc vừa rồi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ làm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, truyền thống; tăng cường sự hiểu biết và tình cảm của nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc và đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Theo Chinhphu.vn