Tại cuộc gặp mặt báo chí mới đây, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong đã thông báo tin tức liên quan đến tình trạng ngộ độc rượu trong 5 tháng đầu năm.
Cụ thể, tính đến ngày 31/5/2020, toàn quốc đã ghi nhận 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 870 người mắc, 824 người nhập viện điều trị và 22 người tử vong. So sánh với cùng kỳ năm 2019, tăng 11 vụ (29,7%) ngộ độc thực phẩm, số người mắc tăng 18 người và tử vong tăng 17 người.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong
Số ca tử vong chỉ phản ánh một phần nổi trong lĩnh vực đảm bảo ATTP. Thực tế số vụ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể – với số lượng người mắc lớn - chủ yếu là ngộ độc do vi sinh vật, số người nhập viện rất cao nhưng tỷ lệ tử vong thường rất thấp (trừ những người có bệnh lý nền nặng).
Trong số trên, hầu hết ca tử vong vì ngộ độc thực phẩm là ngộ độc do độc tố như rượu chứa cồn công nghiệp, nấm độc.
Điển hình như tháng 4/2020, một vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng xảy ra ở xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) khi một nhóm công nhân xây dựng ra quán tạp hóa mua rượu trắng về uống. Sau uống rượu, cả 12 người phải nhập viện, 2 người tử vong.
Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, xung quanh các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sử dụng cồn công nghiệp để pha chế rượu, Cục An toàn thực phẩm đã có những hành động phối hợp với các cơ quan chức năng khác, song vấn đề chưa được giải quyết triệt để.
Ông Phong cho rằng, mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã tăng lên rất nhiều. Với những hành vi cố ý vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự. Tuy vậy, các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra còn mỏng và yếu, thậm chí có nơi, có lúc còn lơi lỏng xử lý vi phạm.
Ông Phong cũng cho biết, Cục đã nhiều lần kiến nghị tới Bộ Công Thương về việc phải yêu cầu đưa chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để phân biệt với cồn thực phẩm, tránh tình trạng sử dụng loại cồn này vào pha chế thực phẩm, bia rượu.
Bảo Lâm (T/h)