“Cú” soán ngôi ngoạn mục từ Singapore

Trước đây, ngôi “vương” luôn được dành cho Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, nhưng năm 2020, bất ngờ, Singapore đã giành ngôi quán quân, với tổng vốn đăng ký gần 9 tỷ USD, trong đó có 1 tỷ USD đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và tăng gấp đôi so với con số 4,5 tỷ USD của năm 2019.

Đến năm 2021, Singapore tiếp tục “chiếm” vị trí dẫn đầu của Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký còn cao hơn năm 2020, lên tới 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, bởi nhiều năm liền, Singapore thường chỉ đứng vị trí thứ 3, với các cam kết đầu tư vào Việt Nam khoảng 4-5 tỷ USD. Thậm chí, năm 2015, Singapore chỉ đầu tư vào Việt Nam 2 tỷ USD, đứng thứ 5.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2021, vốn đầu tư của Singapore đã gấp tới 2,2 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc và gấp 2,7 lần vốn đầu tư của Nhật Bản. Trong năm này, các nhà đầu tư Singapore đã quyết định dốc 3,1 tỷ USD vào Dự án Điện khí Long An 1 và 2. Cùng với đó, còn có khoản đầu tư 2,19 tỷ USD thông qua góp vốn, mua cổ phần của Vinfast Trading & Investment Pte.Ltd vào Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast. Riêng 2 dự án này đã chiếm trên 49% tổng vốn đầu tư của Singapore vào Việt Nam.

Vào tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư Singapore đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 666 triệu USD, chiếm 31,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu. Trong tháng này, các nhà đầu tư từ đảo quốc Sư tử đã góp vốn, mua cổ phần vào Công ty cổ phần Bất động sản MV2, với trên 334 triệu USD. Và đó là lý do Singapore vượt Nhật Bản trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam, nếu tính lũy kế.

Sembcorp, với các khoản đầu tư lớn, trong đó có việc liên doanh với Becamex, đã xây dựng một loạt khu công nghiệp tại Việt Nam
Sembcorp, với các khoản đầu tư lớn, trong đó có việc liên doanh với Becamex, đã xây dựng một loạt khu công nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: Báo Đầu tư.

Được biết, cuối năm ngoái, Nhật Bản vẫn đứng thứ hai, với trên 64,39 tỷ USD vốn đăng ký vào Việt Nam, còn Singapore đứng thứ ba, với 64,36 tỷ USD. Khoảng cách không quá lớn, nên rất nhanh chóng, Singapore đã vượt lên. Tính đến hết tháng 01/2022, Singapore đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 65,24 tỷ USD. Trong khi đó, Nhật Bản tăng không nhiều, với 63,96 tỷ USD.

Có khoản đầu tư “đột biến” này chủ yếu là do đầu năm, các nhà đầu tư Singapore đã quyết định đầu tư vào Dự án Điện khí Bạc Liêu, quy mô 4 tỷ USD. Đây là một trong những dự án được Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tích cực họp bàn để tháo gỡ khó khăn, giúp dự án sớm được triển khai xây dựng.

Tăng tốc và bùng nổ sau đại dịch

Như vậy, 02 năm liên tiếp Singapore đã giữ ngôi vị quán quân trong đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nói về vấn đề trên, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng chia sẻ với báo giới, việc Singapore đổ một nguồn vốn lớn vào Việt Nam đã cho thấy lòng tin của các nhà đầu tư Singapore vào các chính sách vĩ mô, môi trường kinh doanh và triển vọng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. “Đây là thành quả của quá trình hoạch định và triển khai các chính sách lớn của Chính phủ và sự tích cực, chủ động tìm kiếm cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore”, ông Dũng nói và cho biết, chuyến thăm Singapore từ ngày 24 đến 26/02/2022 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ “tạo khí thế mới, động lực mới” cho làn sóng nhà đầu tư Singapore vào Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa.

Mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Đại diện Hiệp hội Thành viên liên kết, ông Seck Yee Chung - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách giúp giảm nhẹ tác động của đại dịch, trong khi vẫn duy trì các biện pháp phòng chống Covid -19 và khuyến khích đầu tư. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp các nhà đầu tư thêm tin tưởng và quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Quá trình dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam và thương mại điện tử tăng lên, ông Seck Yee Chung nhấn mạnh đến các khoản đầu tư vào trung tâm kho bãi, dịch vụ logistics… “Chính phủ Việt Nam cần tìm hiểu và mở rộng hỗ trợ hơn nữa cho các mô hình kinh doanh fintech khác nhau, ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động để thử nghiệm một số mô hình nhất định và đảm bảo rằng lĩnh vực này sẵn sàng đón nhận đầu tư cả nước ngoài và trong nước”, ông Seck Yee Chung nói.

Một nghiên cứu gần đây của Cục Đầu tư nước ngoài thông tin, việc xây dựng các cơ sở sản xuất và lắp ráp mới tại các nước ASEAN ngày càng gia tăng, kéo theo nhu cầu về dịch vụ hạ tầng, kinh doanh chất lượng cao tại các địa bàn này. “Vốn có thế mạnh trong khu vực về cung cấp dịch vụ, cơ sở hạ tầng, logistics, các doanh nghiệp Singapore sẽ tận dụng cơ hội này để phát triển thêm các cơ sở dịch vụ, hạ tầng để đáp ứng nhu cầu dịch chuyển vốn đầu tư, bao gồm cả sang Việt Nam”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Để đáp ứng xu thế đó, thì các công ty logistics, các start-up về công nghệ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, y tế, giáo dục sẽ tăng cường mở rộng đầu tư ở nước ngoài, bao gồm Việt Nam.

Để tiếp tục tăng tốc mạnh mẽ sau thời gian bị ngắt quãng bởi Covid-19, rất nhiều doanh nhân, nhà đầu tư Singapore đang chờ đợi được quay trở lại Việt Nam tìm kiếm các cơ hội đầu tư; các chuyến bay thương mại quốc tế đã được mở lại, cho phép các công dân Singapore vào Việt Nam.

Thanh Tuyến (t/h)