Chủ đầu tư thừa nhận đã sai
Toạ lạc ngay tại mặt đường Láng Hạ, vị trí vàng mà bất cứ chủ đầu tư nào cũng “khao khát” có được, dự án Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại cao tầng do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị và thương mại làm chủ đầu tư hứa hẹn sẽ là “tâm điểm vàng” của phân khúc văn phòng khi dự án hoàn thành và đi vào sử dụng.
Thế nhưng, qua trình thi công dự án này đã gặp phải những sai phạm, thậm chí có những sai phạm còn gây ra nguy hiểm lớn nếu như có rủi ro xảy ra.
Theo phản ánh của người dân, việc cần cẩu trục tháp hoạt động hướng ra phía đường gây nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Anh H.L, người tham gia giao thông qua tuyến đường Láng Hạ chia sẻ: “Cần cẩu trục tháp hoạt động nguy hiểm quá, chẳng may có sự cố gì thì người đi bộ trên vỉa hè, người tham gia giao thông sẽ không thể xoay sở kịp”.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên, cần cẩu trục tháp của dự án này đang hoạt động quay ra phía ngoài đường. Trên cẩu đang vận chuyển một thùng dùng để đựng vật liệu xây dựng xuống vỉa hè, đặc biệt, phạm vi của dây cẩu này đã vượt ra khỏi tường bao của công trình vào ban ngày.
Trong khi đó theo quy định, trường hợp vùng hoạt động của cần trục tháp vượt ra khỏi phạm vi công trình, ảnh hưởng tới giao thông đi lại của nhân dân và các công trình lân cận, cần trục tháp chỉ được hoạt động từ 22h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau và phải đảm bảo có đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn kĩ thuật của cần trục tháp.
Một điều đáng chú ý nữa, chủ đầu tư đang tận dụng vỉa hè dành cho người đi bộ để phục vụ cho việc thi công dự án của mình. Tận dụng là vậy, quanh dự án lại không có bất cứ một biển báo chỉ dẫn nguy hiểm nào để người đi bộ và người tham gia giao thông chú ý và cẩn trọng.
Liên hệ với chủ đầu tư Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị và thương mại, anh Phạm Hoàng Anh, Phó Ban quản lý dự án đại diện tiếp báo chí. Khi hỏi về lí do dự án không có giấy phép hoạt động của cẩn cẩu trục tháp, vị này lí giải: “Các hồ sơ liên quan đến đăng kiểm máy móc chúng tôi đã gửi lên Sở Xây dựng, tuy nhiên họ bảo cái này Sở Xây dựng không quản lý, theo chỉ thị 08 năm 2012, sau đó đẩy sang Sở Lao động Thương binh Xã hội, thời gian trong vòng 1 tháng.
Sau đó, chúng tôi kiểm tra nhu cầu sử dụng trên công trường, nhận thấy cẩu tháp chỉ phục vụ trong phạm vi công trường, cái dạng cẩu tháp của dự án theo dạng lên xuống, không vượt ra khỏi công trường. Đối chiếu chỉ thị 08 thì chủ đầu tư đã khai báo với Sở Lao động Thương Binh và Xã hội về việc sử dụng cẩu tháp dạng này, có giấy xác nhận khai báo được sử dụng trong công trường”.
Theo tài liệu được cung cấp, đây là giấy xác nhận khai báo sử dụng máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động của Công ty Cổ phần Ecoba Việt Nam có trụ sở ở tầng 5, toà nhà UDIC Complex, đường Hoàng Đạo Thuý, Cầu Giấy, Hà Nội, đã khai báo sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo phiếu khai báo ngày 18/5/2018 do ông Võ Tiến Đạt, chức vụ Tổng giám đốc ký.
Đối tượng kiểm định là cẩu trục tháp, số chế tạo (mã hiệu) là JTL65C4 (JTL3611), địa chỉ lắp đặt và sử dụng tại dự án Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại cao tầng tọa lạc tại Số 11 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.
Ông Hoàng Anh cho biết thêm, Công ty Cổ phần Ecoba Việt Nam là đơn vị lắp đặt cần cẩu trục tháp tại dự án này. Và đơn vị thực hiện phần kết cấu dự án, trong đó có việc sử dụng, vận hành cần cẩu trục tháp là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Quỳnh.
Về vấn đề cần cẩu trục tháp hoạt động vươn ra khỏi phạm vi công trường, ông Phạm Hoàng Anh nhận trách nhiệm sai về đơn vị thầu và ban quản lý dự án: “Trong 1 số trường hợp nhà thầu hơi tận dụng cẩu tháp. Sự việc này đúng là có sai nhưng không thường xuyên.
Về lý thuyết vận hành cẩu, người lái ngồi trên mái không bao giờ nhìn được xuống dưới nên phải có cán bộ trực ở dưới có bộ đàm gọi lên trên. Về trường này hợp ghi nhận có nguy hiểm khi tận dụng chuyển vật tư, đây lỗi của nhà thầu trong quá trình kí cam kết không vượt ra khỏi phạm vi công trường với chủ đầu tư”.
Về việc vận chuyển thùng đựng vật liệu xuống khu vực vỉa hè dành cho người đi bộ, đại diện ban quản lý dự án cũng khẳng định nhà thầu đã sai.
Cơ quan chức năng lại điệp khúc “nhắc nhở”
Phản ánh về tình trạng cẩu tháp của dự án Friend’s Tower hoạt động ra khỏi phạm vi công trường gây nhiều nguy hiểm, ông Lê Ngọc Minh, Tổ quản lý trật tự xây dựng phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Về vấn đề này, phường phải phối hợp với cơ quan chuyên môn.
Sở Xây dựng có đơn vị chuyên ngành họ mới kiểm tra kĩ được, cụ thể hơn. Phường sẽ lưu ý, nếu tiếp tục chìa ra gây nguy hiểm, sẽ yêu cầu lập biên bản, đề nghị Quận tiến hành xử phạt luôn”.
Ông Minh cho rằng: “Tôi cũng thường xuyên đi qua tuyến đường này, tuy nhiên lúc đi qua lại không gặp trường hợp này, nên rất khó. Muốn lập biên bản xử phạt chủ đầu tư, phải bắt gặp đúng lúc cần cẩu trục tháp đang chìa ra ngoài đường”.
Ông Minh nói thêm: “Có những việc ngoài phạm vi xử lý của phường, phường không thể xử phạt được những vi phạm lớn hơn 10 triệu đồng, đó là cái khó của phường. Phường sẽ nhắc nhớ nếu có tình trạng như vậy và báo cáo lên Quận”.
“Nếu cần cẩu trục tháp mà trong trạng thái không hoạt động nhưng vẫn chìa ra ngoài đường như vậy cũng là sai”, ông Minh cho hay.
Trong khi tình trạng tai nạn công trường đang ở mức báo động thì tình trạng cần cẩu tục tháp vắt “cánh tay sắt” ra ngoài mặt đường dường như lại chưa được chủ đầu tư và cơ quan chức năng quan tâm?!.
Vào hồi tháng 8/2018, xảy ra sự cố đứt cáp cẩu tại Dự án The Sun, phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội), do Công ty CP Đầu tư và sản xuất Thái Dương làm chủ đầu tư, làm sập toàn bộ nhà điều hành và bị thương 2 người. Ngay sau đó, dự án đã bị đình chỉ thi công để thanh tra toàn bộ.
Hay sự việc xảy ra tối 27/9, một thanh sắt giàn giáo tại công trình Trung tâm Thương mại và văn phòng cho thuê tại Lô đất 4.6 - NO tuyến đường Lê Văn Lương, thuộc địa phận phường Nhân Chính (Thanh Xuân), bao gồm 2 tầng hầm và 16 tầng nổi, do Công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư Sao Mai làm Chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng là Công ty Đầu tư và Phát triển Tây Hồ, bị rơi bất ngờ xuống đường Lê Văn Lương khiến một nạn nhân nữ tử vong tại chỗ, 1 người bị thương nặng và hư hỏng 2 xe máy. Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn được lực lượng chức năng xác định có thể do trụ bắt ròng rọc trên tầng mái dùng thi công kính mặt tiền tòa nhà bung khỏi vị trí, rơi xuống đường Lê Văn Lương.
Có lẽ vấn đề an toàn thi công công trình cần phải được kiểm soát chặt chẽ và có những biện pháp xử lý quyết liệt hơn nữa ngoài biện pháp “nhắc nhở” trước khi lại có sự cố không may nào xảy ra.
Không chỉ dự án Friend’s Tower, tại Hà Nội còn có rất nhiều dự án “mạnh tay” chĩa cần cẩu trục tháp ra ngoài mặt đường vào ban ngày, thời điểm có nhiều người dân tham gia giao thông.
Và nếu chẳng may rủi ro, để xảy ra tai nạn công trình, dự án sẽ bị đình chỉ thi công để thanh tra toàn bộ, lúc đó chẳng ai dám chắc tiến độ thực hiện có đúng như cam kết với khách hàng hay không hay lại chậm thời gian bàn giao nhà, giống như tình trạng của nhiều chung cư hiện nay. Điều này, đang khiến người mua nhà, vừa xuống rất nhiều tiền để mua nhà, vừa đứng ngồi không yên về dự án.
Trúc Mai