THCL Mục tiêu đặt ra cho năm 2035 là GDP bình quân đầu người đạt tối thiểu 18.000 USD, gần tương đương với mức của Malaysia năm 2010. Con số này có thể đạt 22.200 USD nếu tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 7%.
Sáng nay (23/2), Ngân hàng Thế giới (World Bank) chính thức công bố báo cáo "Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ" với sự tham gia đóng góp của hàng chục chuyên gia kinh tế đầu ngành trong và ngoài nước. Đây là sáng kiến chung của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch World Bank - ông Jim Yong Kim chấp thuận vào tháng 7/2014.
Mục tiêu đặt ra cho năm 2035 là GDP bình quân đầu người đạt tối thiểu 18.000 USD
Theo đó, tại bản báo cáo công phu dày 130 trang này, các chuyên gia nhận định với mục tiêu đặt ra tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt 7%/năm, Việt Nam có cơ hội trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 như Malaysia hiện nay và Hàn Quốc vào giữa thập niên đầu của thế kỷ 21.
Song mục tiêu này là hết sức tham vọng vì nó vượt xa mức tăng trưởng trước đây của Việt Nam và chỉ có rất ít quốc gia trên thế giới đạt được. Trước đó, đầu thế kỷ 19, Việt Nam đã từng là nền kinh tế có quy mô lớn hơn nhiều so với Thái Lan, Malaysia, hoặc Philippines. Vì vậy, khát vọng giành lại vị thế của mình trong cộng đồng các quốc gia là rất lớn.
Mục tiêu đặt ra cho năm 2035 là GDP bình quân đầu người đạt tối thiểu 18.000 USD (tính theo sức mua tương đương bằng USD năm 2011), gần tương đương với mức của Malaysia năm 2010.
Theo phân tích của các chuyên gia, với GDP bình quân đầu người khoảng 5.370 USD (tính theo sức mua tương đương bằng USD năm 2011) vào năm 2014, trong vòng 20 năm tới tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người tối thiểu phải đạt 6%/năm thì mới tiến tới mốc 18.000 USD.
Đây là tỉ lệ tăng trưởng cao hơn hẳn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân theo đầu người là 5,5%/năm trong giai đoạn 1990-2014 và cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng 3,8%/năm của các nước thu nhập trung bình trong cùng thời kỳ.
Với tốc độ tăng trưởng thấp hơn, khả thi hơn (nhưng vẫn là tham vọng) ở mức 5%/năm (là tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam 10 năm qua), GDP theo đầu người sẽ lên đến 15.000 USD vào năm 2035 và đưa Việt Nam ngang hàng Brazil năm 2014, và đạt 18.000 USD vào năm 2040.
Với lộ trình tăng trưởng trên 7%/năm (chỉ tiêu tăng trưởng theo khát vọng của Việt Nam), GDP theo đầu người sẽ đạt xấp xỉ 22.200 USD, tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013. Tốc độ tăng trưởng cao hơn đó sẽ giúp Việt Nam đuổi kịp Indonesia và Philippines.
Báo cáo ghi nhận, chặng đường cải cách 30 năm qua đã thu được nhiều thành công. Khát vọng phát triển đất nước trong 20 năm tới rất lớn lao nhưng thách thức phải vượt qua cũng vô cùng lớn. Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện 6 chuyển đổi quan trọng để trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao.
Cụ thể, trước hết là hiện đại hóa nền kinh tế đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân. Hai là phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm. Ba là nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa, tăng cường kết nối giữa các thành phố và vùng phụ cận. Bốn là phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm là đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế cùng với sự phát triển của xã hội trung lưu. Sáu là xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao.
Chương trình cải cách gắn với 6 chuyển đổi này được thể hiện theo 3 trụ cột chính: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.
Theo Dân Trí