Đề xuất giá điện 'cõng' các khoản lỗ của EVN: Đừng để tiền lệ xấu cứ lỗ là đề nghị sửa
Đề xuất giá điện 'cõng' các khoản lỗ của EVN: Đừng để tiền lệ xấu cứ lỗ là đề nghị sửa

Vừa qua, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Thủ tướng về dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24/2017 cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, sau khi Bộ Tư pháp thẩm định. Theo tờ trình, công thức tính giá điện bình quân vẫn bổ sung các khoản chênh lệch tỷ giá, lỗ sản xuất kinh doanh và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện. Các số liệu này được xác định theo báo cáo tài chính được kiểm toán. EVN sẽ đề xuất phương án phân bổ các chi phí này, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Trước các ý kiến cho rằng việc hạch toán khoản lỗ (chênh lệch tỷ giá, lỗ kinh doanh…) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là không phù hợp, đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã có thông tin làm rõ hơn. Bộ Công Thương cho hay việc bổ sung các dữ liệu trên vào công thức xác định giá bán lẻ điện bình quân để phù hợp với thiết kế thị trường bán buôn cạnh tranh và giá điện gắn với giá thành sản xuất, như góp ý của Thanh tra Chính phủ. Bộ cũng khẳng định việc cho EVN thu hồi khoản lỗ sản xuất kinh doanh trong tính giá điện dựa trên quy định pháp luật, thực tế và ý kiến các bộ ngành.

Điều 4 Quyết định 24 quy định các thành phần cấu thành lên giá bán lẻ điện bình quân hàng năm bao gồm chi phí của các khâu trong chuỗi sản xuất - cung ứng điện (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí quản lý chung của EVN) và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

Các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện bao gồm cả chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được phân bổ được đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm N (năm tính giá) do Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét, quyết định hàng năm.

Quyết định 24 quy định việc các khoản chi phí đã phát sinh nhưng chưa được tính vào giá điện trong các lần điều chỉnh trước đây sẽ được xem xét để tính toán phân bổ vào giá điện của kỳ đang tính toán.

Trong giai đoạn trước khi ban hành Quyết định 24, chênh lệch tỷ giá là khoản chi phí lớn nhất thường bị treo chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện, cũng như giá điện hoặc chỉ được hạch toán phân bổ một phần tùy tình hình tài chính của mỗi năm.

Năm 2022, EVN hứng khoản lỗ 26.000 tỉ đồng do tác động của giá than, giá khí và các chi phí đầu vào trong khâu sản xuất điện tăng cao là đúng. Do vậy, cần làm rõ vai trò của EVN trong đánh giá, dự báo về xu hướng giá, hoạt động quản lý, đàm phán mua điện của các nhà cung cấp để góp phần giảm lỗ. 

Việc tăng giá điện bình quân 3% từ 4/5 - mức thấp nhất theo Quyết định 24 và kết quả tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện 2022 (9,37%), giải quyết một phần khó khăn dòng tiền, nhưng EVN vẫn khó khăn do chi phí 2023 bị dồn tích.

Cho ý kiến về vấn đề trên, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) chia sẻ: "Tôi cho rằng, ngành điện và các đơn vị liên quan cần thực hiện đúng các quy định hiện hành của Quyết định 24. Không thể vì ngành điện dự báo không sát thực tế khiến chi phí nguyên liệu đầu vào cho phát điện tăng thì lại yêu cầu sửa giá bán lẻ điện bình quân. Điều này dẫn đến việc không nhất quán, trở thành tiền lệ xấu cứ lỗ là đề nghị sửa".

Việc điều chỉnh giá điện vừa qua không diễn ra theo định kỳ hay tuân thủ quy định tại Quyết định 24/2017. Theo thống kê, giai đoạn 2009-2012 khi khâu phát điện chưa tổ chức theo mô hình cạnh tranh, các lần điều chỉnh giá được thực hiện đều đặn, có năm điều chỉnh hai lần. Từ 2013 đến nay, khi thị trường phát điện cạnh tranh vận hành, tức là tính chất thị trường trong giao dịch ở phần nguồn điện tăng lên, nhưng tần suất điều chỉnh giá lại ít hơn. Chẳng hạn, từ 2017 đến nay, giá điện được điều chỉnh 3 lần, vào 2017 (tăng 6,08%), 2019 là 8,36%. Giá này được giữ trong 4 năm, tới tháng 5/2023 mới tăng thêm 3%.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt - phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - cho rằng việc xây dựng cơ sở pháp lý để xác định đầy đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ trong sản xuất, kinh doanh điện là cần thiết. Song việc bổ sung và hạch toán các khoản lỗ còn treo lại của EVN trong công thức tính cần được đánh giá kỹ lưỡng.

Đặc biệt cần làm rõ công thức tính giá điện mới, minh bạch và phân tách cụ thể chi phí của từng khâu tạo nên giá thành sản xuất kinh doanh điện.

"Cơ chế định giá hiện tại là theo phương pháp cộng tới, với cách tính đơn giản, hiệu quả với hệ thống điện truyền thống nhưng chỉ đảm bảo cho EVN thu hồi đủ chi phí nếu được điều chỉnh giá kịp thời", vị chuyên gia năng lượng độc lập nói và cho rằng cơ chế định giá đang được áp dụng chỉ nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng kiểm soát chi phí, chứ không tạo ra động lực cho doanh nghiệp tối ưu chi phí, không thúc đẩy cạnh tranh để phản ánh giá trị thật của điện năng theo cung cầu.

"Do đó cần tăng tính minh bạch và giám sát thị trường trong việc đưa ra cơ chế xác định giá phù hợp với sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh trong thời gian tới", ông Anh đề xuất.

PV