Những câu chuyện đau lòng
Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến tự tử: mâu thuẫn gia đình, bị oan ức, bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, túng quẫn vì nợ nần, ghen tuông, giết người, cướp của sợ bị phát hiện nên tự tử...
Xã hội ngày cáng phát triển, nhiều mâu thuẫn bức xúc trong đời sống phát sinh khiến con người ta dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, bức bí, trong một phút chốc nào đó chán chường, quẫn trí và tìm đến cái chết.
Ảnh minh họa
Cuối tháng 2/2017, Siu Djết - một nam thanh niên trong làng, sau khi đi uống rượu say với bạn về, chẳng hiểu lý do gì mà ra vườn điều treo cổ tự tử. Siu Djết chết đi, để lại niềm tiếc thương cho người thân và dân làng.
Ngày 29/3/2017, Trung tâm Y tế huyện Ia Grai tiến hành hồi sức cấp cứu, bù nước, súc ruột, rửa dạ dày để cứu sống nạn nhân Ksor Sét (sinh năm 1982, trú tại làng Tăng, xã Ia O) do uống thuốc diệt cỏ để tự tử. Sức khỏe bệnh nhân đang suy kiệt, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
Hỏi về lý do sao vợ tự tử, anh Ksor Deo - chồng Ksor Sét - nói: “Mình không biết, nó thích thì nó uống thuốc thôi”. Khi các bác sỹ gặng hỏi thì Ksor Deo mới vò đầu bộc bạch: “Do mình hay uống rượu, vợ nói đừng uống nữa nhưng mình cũng muốn vui với anh em nên không nghe. Sáng nay, vợ mua 1 can rượu về uống một mình, đến trưa mình đi đón con, nó ở nhà lấy chai thuốc diệt cỏ ra uống, mình về đến nhà đã thấy anh em chở đi cấp cứu rồi”.
Hay như câu chuyện đau lòng của thầy giáo Chu Anh Dân (xã KDang, huyện Đăk Đoa). Vợ chồng anh có 2 người con, nhưng không may người con đầu (sinh năm 2013) bị bại não bẩm sinh khiến tiền bạc, tài sản trong nhà đều dành toàn bộ cho việc chạy chữa cho cháu, nợ nần ngày càng gia tăng mà bệnh cháu thì không hề giảm. Đau lòng khi thấy con mình như vậy, trong cơn cùng quẫn vì số nợ 450 triệu đồng không có khả năng trả, anh đã cho con uống thuốc ngủ còn mình uống thuốc diệt cỏ để tự tử.
Và còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện thương tâm khác khiến con người nghĩ quẫn tìm đến cái chết.
Tự tử đối với người chết là xong chuyện, nhưng đối với người sống thì di chứng tâm lý nặng nề. Người tự tử xử lý chuyện của bản thân song trách nhiệm đối với gia đình, người thân, với xã hội lại tạo thêm gánh nặng.
Trong những ngày này, về làng Mayh, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, cái làng nghèo xơ, nghèo xác, tôi lại càng thấm nỗi bi thương. Nhìn hình ảnh bà Sui H’Yăn (mẹ của Siu Djết) cứ chiều lại ngồi tựa cửa buồn lặng trong ngôi nhà tềnh toàng “thừa mưa, thừa nắng” nhưng thiếu bóng con trai thì ai cũng thấy xót xa.
Con trai thầy giáo Chu Anh Dân may mắn được cứu sống, nhưng giờ đây gánh nặng lại càng lớn trên đôi vai người vợ, chị không còn sức sống khi chồng vừa qua đời, bỏ lại cho chị 2 đứa con thơ, trong đó một người con đầu bị bại não bẩm sinh cùng khối nợ nần chồng chất…
Đâu là “bài thuốc” cho vấn nạn này?
Tổ chức Y tế thế giới vừa có báo cáo đánh giá rằng, Việt Nam mỗi năm có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh trầm cảm, trong đó có 5.000 người tử vong do tự tử. Số người chết do tự tử ở Việt Nam trong độ tuổi 15-29, lớn thứ 2 chỉ sau tai nạn giao thông.
Theo thống kê, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện Ia Grai đã xảy ra 22 vụ tự tử, nhưng may mắn có 18 người được cứu sống; trong đó có 17 ca là người dân tộc thiểu số. Trong năm 2016, Trung tâm Y tế huyện Ia Grai ghi nhận 64 ca tự tử bằng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu, đa số là người dân tộc thiểu số và nhiều nhất là ở các xã biên giới của huyện. Đây thật sự là con số đáng báo động, bởi phần lớn số người tự tử đều nằm trong độ tuổi lao động chính. Những cái chết vô nghĩa đã kéo theo hệ lụy khôn lường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý xã hội, làm phức tạp tình hình an ninh nông thôn.
Những năm qua, các sở, ban ngành từ tỉnh đến huyện đã có rất nhiều động thái tích cực nhằm tìm giải pháp ngăn chặn nạn tự tử bởi đây là vấn đề phát sinh trong phút chốc. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của cán bộ thôn, làng, các tổ chức đoàn, hội cơ sở. Phải thật sự đi sâu, đi sát nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con nhằm tuyên truyền vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để bà con biết quý mạng sống của mình thì số vụ tự tử sẽ được kéo giảm.
Điển hình như huyện Kông Chro, từ năm 2014 trở lại đây, nhờ các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt mà nạn tự tử, nhất là đối với đồng bào dân tộc đã giảm đáng kể. Nếu như năm 2013 có 36 vụ tự tử làm 36 người chết thì đến năm 2016, chỉ còn lại 8 vụ, 8 người chết.
Kim Minh