Tháng 1 đến tháng 3 hàng năm là thời điểm bà con nông dân ở Krông Pa bước vào thu hoạch mỳ (sắn) và bắt đầu dọn dẹp để chuẩn bị cho việc trồng vụ mới. Vì vậy, vào thời điểm này, các buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã trông rất vắng vẻ, vào nhà nào cũng chỉ gặp toàn người già và trẻ em; đàn ông, phụ nữ đều lên nương rẫy.

Vì nương rẫy ở xa nên bà con thường phải mang gạo, mắm, muối lên dựng chòi ở tạm tại rẫy cả tháng mới về. Có gia đình sáng đi tối về thì từ tờ mờ sáng đã phải thức dậy để nấu cơm, thức ăn mang theo. Đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi tiết trời bắt đầu chuyển, những cơn mưa giông xuất hiện, đất đủ độ ẩm ướt, bà con bắt đầu trỉa hạt lúa giống hoặc trồng mỳ, trồng bắp cho một mùa vụ tiếp theo.

Gia Lai: Mùa ngủ rẫy gây khó khăn trong công tác quản lý nhân khẩu - Hình 1

 

Những ngày cuối tháng 3, Krông Pa nắng như đổ lửa. Khi những tia nắng chói chang xuyên qua chòi rẫy rọi xuống sàn nhà, cũng là lúc gia đình anh Kpă Blin dùng bữa cơm trưa đạm bạc vội vàng chỉ với nồi canh lá giang, một chén muối ớt cùng mấy con cá khô nướng. Căn chòi rẫy chật hẹp khoảng chừng chục mét vuông này là nơi sinh hoạt của 4 người trong gia đình anh vào mỗi mùa rẫy. Ở đây, điều kiện, dụng cụ sinh hoạt như can đựng nước, xoong, nồi... đều rất tạm bợ.

Gia Lai: Mùa ngủ rẫy gây khó khăn trong công tác quản lý nhân khẩu - Hình 2

Chòi rẫy của người Jrai tại Krông Pa

Có hơn 1 ha đất rẫy nằm ở triền chân núi thuộc xã Uar, gia đình anh đang tập trung thu hoạch nốt số mỳ còn lại. Anh Blin cho biết, nhà anh ở tận buôn Thim, xã Phú Cần, sau khi “xuống nhà” (tách hộ), nhà không có đất sản xuất nên vào tận xã Uar mua đám đất này để canh tác. Do xa nhà nên vào ngày mùa, cả nhà chuyển vào ở luôn trong rẫy để thuận tiện cho việc thu hoạch mỳ. Cuối tuần hoặc có khi thu hoạch xong họ mới về nhà. Hai đứa con của anh là Ksor Y Ngar (22 tuổi) và Ksor H’ Gươm (15 tuổi) đều đã nghỉ học để phụ giúp gia đình làm nương rẫy, chăn bò, dê. Mặc dù vậy, gia đình anh vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã.

Ở một địa điểm khác, tại khu vực núi Chư Chi, thuộc địa phận xã Phú Cần, trong căn chòi rẫy tạm bợ nằm trên đám rẫy hơn 5 sào, vợ chồng anh Alê Tuy và chị Ksor H’Ten vẫn thoăn thoắt tay đưa gọt những củ mỳ vừa mới được nhổ lên lúc sáng sớm để kịp phơi nắng trưa. Dưới chòi rẫy, đứa nhỏ Kror Thiêk (8 tuổi) đang chơi cùng mấy chú chó; còn Ksor Hiêk, 11 tuổi thì đang phụ ama, amí gọt mỳ. "Hôm nay, ngày nghỉ nên chở chúng nó sang rẫy chơi, phụ mình gọt mỳ, đầu tuần lại chở chúng về cho đi học, rồi ở nhà trông nhà, còn vợ chồng mình thì phải làm mỳ xong mới về nhà được", Chị Ksor H’Ten nói.

Ông Nguyễn Khắc Dưng, Chủ tịch UBND xã Phú Cần (huyện Krông Pa) cho biết: Hiện trên địa bàn xã Phú Cần có rất nhiều bà con là đồng bào dân tộc thiểu số làm rẫy rất xa, xâm canh sang các địa phương khác nên vào ngày mùa bà con thường ngủ luôn tại rẫy. Điều này cũng gây không ít khó khăn cho địa phương trong việc tổ chức quản lý nhân khẩu, họp thôn, buôn, chậm trễ trong việc triển khai các khoản thu theo quy định.

Bên cạnh đó, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ được các gia đình mang theo lên rẫy. Xã cũng đã chỉ đạo các đoàn thể, thôn, buôn trưởng triển khai tuyên truyền cho người dân khi ngủ rẫy phải mang theo màn để phòng chống muỗi đốt gây dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết…

Cho đến nay, vẫn chưa có một thống kê cụ thể về việc có bao nhiêu hộ dân ngủ rẫy vào mỗi mùa rẫy. Đây là phong tục lâu đời của bà con. Tuy nhiên, những hệ lụy từ phong tục này ở Krông Pa thì đã rõ như tỷ lệ người dân mắc sốt rét cao nhất tỉnh, tỷ lệ học sinh nghỉ học, gián đoạn việc học vẫn còn khá cao. Hài hòa giữa phong tục mà vẫn đảm bảo sức khỏe, nền nếp sinh hoạt, học tập - đó chính là vấn đề đặt ra đối với chính quyền địa phương.

   Kim Minh - Đức Mạo