Cô bé người đồng bào Jrai - Rơ Mah H’Sa (lớp 9B, Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Sê), dáng người nhỏ nhắn, nhưng có một thành tích học tập đáng nể: 9 năm liền là học sinh giỏi.

Đến căn nhà gia đình em, nằm sâu trong xã Ia Glai (Chư Sê), bắt gặp hình ảnh em đang tranh thủ những ngày hè ở nhà phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa và làm vệ sinh xung quanh vườn, tạo môi trường sống trong lành cho địa phương...

Trước khi bước sang lớp 10, cô học trò nghèo đã vinh dự đạt giải “Cây bút triển vọng” khi em tham gia cuộc thi viết thư quốc tế lần thứ 46 - do Liên minh Bưu chính Quốc tế (UPU) phối hợp với Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) tổ chức.

Chủ đề UPU 46: “Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng Thư ký LHQ, vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông ấy xử lý trước tiên và cách giải quyết vấn đề đó như thế nào ?”. Cô học trò H’Sa tâm sự: “Khi các thầy cô đọc thể lệ cuộc thi trước toàn trường, em cũng chẳng dám mơ mình sẽ có giải trong cuộc thi này. Đêm đến, khi gấp sách vở lại, em lại nhớ đến cuộc thi này nên em lấy bút giấy ra ngẫm nghĩ viết thử, vừa bổ sung thêm kiến thức trước kỳ thi cuối cấp sắp tới…”.

Gia Lai: Cô học trò người Jrai đạt giải UPU - Hình 1

Cô học trò nghèo người Jrai nhận giải thưởng UPU

H’Sa cho biết, làng em là người đồng bào dân tộc thiểu số nên vấn đề môi trường rất ít được quan tâm. Đi học biết “cái chữ” thì em cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường sống xung quanh. Từ suy nghĩ đó, em nghĩ rộng ra đến vấn đề ô nhiễm môi trường biển, đọc trên báo và xem thời sự thấy những cánh rừng cũng bị mất dần khiến lũ lụt và hạn hán xảy ra ngày một nhiều hơn. Chính những điều đó đã khiến H’Sa đặt bút ghi lại những thực trạng về tình hình ô nhiễm môi trường tại nước Việt Nam và khắp thế giới.

Chỉ vỏn vẹn trong 2 trang giấy, nhưng cô học trò nghèo đã nêu lên hết sức cụ thể, ngắn gọn và nhiều thực trạng ô nhiễm nước biển như vấn đề dầu loang, rác thải trên các bãi tắm, tình trạng xả thải các chất ô nhiễm làm “biển chết” như ở các tỉnh miền Trung vừa qua. Ngược lên Tây Nguyên, cô bé phản ánh tình trạng những cánh rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên bị chặt phá không thương tiếc khiến mạch nước ngầm dần cạn kiệt, đất đá sạt lở nghiêm trọng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho những năm gần đây khí hậu trở nên khắc nghiệt như “đỉnh hạn” năm 2016 tại Gia Lai mà chính H’Sa và gia đình cũng đã bị ảnh hưởng nhiều.

Để tìm ra những giải pháp cho thực trạng trên, H’Sa đã thông qua mạng Internet kết hợp với các kiến thức đã học ở lớp nhằm cố vấn Tổng Thư ký LHQ để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường như chủ đề của cuộc thi. Trong thư gửi tham gia cuộc thi, H’Sa đã nêu lên một số biện pháp khắc phục như xử lý hệ thống nước thải trước khi đưa ra biển. Một số biện pháp xử lý rác thải, phân loại rác thải trực tiếp, nêu cao ý thức của người dân để chung tay giữ gìn môi trường biển. Đồng thời, đẩy mạnh việc trồng rừng, tuyên truyền bảo vệ rừng, kịp thời xử lý nghiêm các hình thức khai thác trái phép…

Khi H’Sa nộp bài dự thi lên nhà trường, như những lần trước, em cũng không hy vọng gì nhiều mà chỉ tập trung ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp. Cho đến giữa tháng 5 thì H’Sa nghe tin mình đã đạt được giải, cô vỡ òa sung sướng, mang về khoe với bố mẹ và thầy cô.

Ông Kpă Đoan (bố của Rơ Mah H’Sa) tự hào: “Khi H’Sa được nhận giải, cả nhà đều ngạc nhiên và vỡ òa trong hạnh phúc vì thành công mà con gái đạt được. Tuy phần thưởng không cao, nhưng đó chính là kết quả do H’Sa tự nỗ lực phấn đấu. Gia đình cũng động viện con nỗ lực vươn lên trong học tập…”.

Nhìn vào học bạ trung học cơ sở của H’Sa, ai cũng phải nể phục với thành tích của cô học sinh nghèo người Jrai này. Trong 9 năm liền, em đều là học sinh giỏi, từ năm lớp 6 đến lớp 9, em đều giành được giải trong kỳ thi Olympic môn tiếng Anh cấp huyện. Được biết, ở trường, H’Sa rất tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, tham gia các cuộc thi văn nghệ trong trường.

H’Sa chia sẻ: “Sang năm lên lớp 10, em sẽ cố gắng học tập để giữ vững thành tích và nỗ lực phấn đấu trong học tập để đạt được ước mơ làm bác sỹ sau này”.

Kim Yến