Theo đó, kế hoạch nhằm mục đích:
Phát triển du lịch cộng đồng dựa trên cơ sở vận dụng, khai thác, phát huy tối đa và có hiệu quả về lợi thế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa, nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai, tiêu biểu là dân tộc Bahnar và Jrai;
Kết hợp khai thác môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn, tạo thành sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ và thu hút du khách trong và ngoài nước đến Gia Lai ngày càng nhiều hơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ sinh kế cho người dân ở khu vực nông thôn;
Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân, sự tham gia tích cực từ cộng đồng dân cư cho đầu tư phát triển du lịch cộng đồng; hình thành các mô hình du lịch cộng đồng đảm bảo các điều kiện phục vụ khách du lịch; hình thành được chuỗi giá trị của một sản phẩm du lịch, kết nối hàng hóa vùng nông thôn, làng nghề truyền thống, dịch vụ, liên kết điểm, tuyến du lịch đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường;
Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch, trong đó phát huy vai trò cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững.
Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, các hợp tác nông nghiệp, đóng góp của cộng đồng (tài chính, sức lao động...) và các nguồn hợp pháp khác cho phát triển du lịch cộng đồng.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, định hướng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh; tăng cường sự tương tác trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân đối với Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.
Phát huy nội lực của từng địa phương đồng thời lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn để hỗ trợ các điều kiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất tạo thuận lợi cho phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân; góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân địa phương.
Bên cạnh đó, các nội dung triển khai của Kế hoạch, gồm: Xác định mô hình phát triển du lịch cộng đồng; phát triển mô hình, điểm du lịch nông thôn bền vững; bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động kinh doanh du lịch cộng đồng; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu kế hoạch cần được triển khai trên cơ sở phát huy tối đa sự tham gia của người dân, cộng đồng và các thành phần tham gia kinh doanh du lịch, do cộng đồng bản địa quản lý, khai thác và hưởng lợi dưới sự hướng dẫn về chuyên môn của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp, chuyên gia và đơn vị tư vấn; phải gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, môi trường tự nhiên và phải dựa trên các sản phẩm du lịch để tạo ra giá trị kinh tế.
Các đơn vị liên quan xác định mô hình du lịch cộng đồng cụ thể phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế, xã hội của vùng đồng bào thiểu số ở Gia Lai; có dự án, đề án đề xuất cho làng đồng bào thiểu số có các điều kiện đảm bảo phát triển du lịch cộng đồng, tránh đầu tư tràn lan, không hiệu quả.
Yến Linh (t/h)