Giải pháp bình ổn giá dịp lễ 30/4 -1/5 - Hình 1

Giải pháp bình ổn giá dịp lễ 30/4 -1/5 (Ảnh minh họa)

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), trong tháng 4, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, nhu cầu các mặt hàng tiêu dùng như hàng may mặc, đồ gia dụng… tăng; các mặt hàng nông sản, thực phẩm sản xuất thuận lợi, nguồn cung tăng, giá giảm. Riêng mặt hàng thịt lợn do bài học từ đợt khủng hoảng thừa năm trước nên quy mô chăn nuôi giảm mạnh, giá tăng. Nhóm mặt hàng năng lượng chịu ảnh hưởng của biến động giá thế giới nên có xu hướng tăng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 4 ước đạt 350.542 tỷ đồng (tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 9,54% so với cùng kỳ năm 2017).

 Mức tăng chủ yếu tập trung vào nhóm hàng lương thực, thực phẩm, may mặc, du lịch, ăn uống, lưu trú (mức tăng trên 12%). Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm đạt 1.399.405 tỷ đồng (tăng 9,85% so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó, nhóm du lịch có mức tăng mạnh (26,1%) do kinh tế phục hồi, nhu cầu cho các dịch vụ này tăng, cùng với sự gia tăng của các tour du lịch nước ngoài vào Việt Nam. Các nhóm còn lại tăng từ 8 - 12,7%. Riêng nhóm dịch vụ khác tăng 3,19%.

Trong thời gian tới, thị trường hàng hóa được dự báo sẽ chịu tác động của các yếu tố như dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 dài, nhu cầu đối với các dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống ngoài gia đình tăng nên giá các nhóm hàng này có thể tăng. Bên cạnh đó, giá thịt lợn (mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng) có mặt bằng giá đang cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước; tác động của giá hàng hóa nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng. 

Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất nhằm bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Tổ Điều hành thị trường trong nước kiến nghị nhiều giải pháp bình ổn thị trường đối với mặt hàng thiết yếu.

Cụ thể, đối với mặt hàng đường, để bảo đảm  tiêu thụ ổn định mặt hàng đường sản xuất trong nước, giảm sự chênh lệch giá giữa khâu bán buôn tại nhà máy, giá bán lẻ ngoài thị trường trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng của đường nhập khẩu, đề nghị Hiệp hội Mía đường chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tăng cường mối liên kết thông qua việc ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài đối với các doanh nghiệp phân phối trong nước với giá ổn định, hợp lý.

Đối với mặt hàng thịt lợn, hiện giá lợn hơi tại nhiều địa phương đang ở mức khá tốt (trên 40.000 đồng/kg), nguyên nhân chủ yếu do quy mô chăn nuôi giảm, tiêu thụ tăng nhờ một phần xuất khẩu qua biên giới Tây Nam. Tuy nhiên, hiện quy mô chăn nuôi của Trung Quốc (thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam) năm nay tăng, giá tương đối thấp nên nhu cầu nhập khẩu tương đối ít.

Do đó, Tổ Điều hành đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi sát hoạt động chăn nuôi và giám sát việc tăng quy mô đàn khi giá trong nước đang tốt để tránh tình trạng dư cung, giá giảm mạnh như trước.

Riêng với mặt hàng xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian gần đây, giá xăng dầu thế giới liên tục tăng. Lần gần đây nhất, trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 23/4, để giảm áp lực giá của mặt hàng này đến giá cả hàng hóa nói chung trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 khá dài, liên bộ Tài chính - Công thương đã quyết định trích thêm quỹ bình ổn để tránh tăng giá xăng.

Cụ thể, liên bộ đã tăng mức chi quỹ bình ổn xăng dầu với xăng E5 RON92 là 958 đồng/lít (kỳ trước sử dụng 790 đồng/lít); xăng RON95 là 451 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 300 đồng/lít); dầu diesel là 200 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 200 đồng/lít); dầu hỏa là 200 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 200 đồng/lít) để ổn định giá xăng.

Cùng với mặt hàng xăng dầu, Tổ Điều hành thị trường trong nước khuyến cáo các địa phương, ngành tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá các hàng hóa do Nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.

Nguyễn Kiên