Đây là một trong những nội dung được đưa ra trong tọa đàm “Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo” tổ chức ngày 09/01 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng, đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 của Chính phủ là kim chỉ nam cho năm 2024 và nhiều năm tới.

năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, mang về giá trị 4,78 tỉ USD
Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, mang về giá trị 4,78 tỷ USD.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho rằng, để ngành lúa gạo tỉnh vươn xa thời gian tới, doanh nghiệp và người nông dân cần đẩy mạnh liên kết xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, đồng thời, chủ động đặt hàng cho các hợp tác xã để sản xuất theo đơn hàng yêu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Chia sẻ trực tuyến, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành thông tin, với thị trường Philippines, gạo là mặt hàng thiết yếu, nước này nhập 3,5-4 triệu tấn/năm. Trong đó, Việt Nam là đối tác số 1 về gạo của Philippines. Bởi gạo nước ta có lợi thế về phẩm chất phù hợp người dân nước này, từ người nghèo đến người có thu nhập cao, và giá thành cạnh tranh. Thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu để Philippines biết được họ đang ăn gạo được trồng chính bởi người nông dân Việt Nam.

Trong khuôn khổ tọa đàm, Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải sắp xếp lại, tổ chức lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo của Việt Nam để thực hiện hiệu quả mục tiêu 1 triệu ha. Đây là đường dài bền vững để gạo của chúng ta đi xa”.

“Ngành lúa gạo nước ta không nhất thiết tất cả đều chạy theo sản xuất gạo ngon, vì vẫn có những thị trường cần gạo bột. Thay vào đó, cần đa dạng sản xuất các giống gạo, loại gạo khác nhau. Cần sắp xếp trên thị trường, chia thị phần gạo ra để xuất khẩu hoặc bán trong nước. Nếu làm vậy, các doanh nghiệp sẽ không còn tranh mua, tranh bán, mà mỗi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu của mình. Đây là tương lai để gạo của Việt Nam có thể tiếp tục phát triển bền vững”, Giáo sư Võ Tòng Xuân nói.

Doanh nghiệp nông dân hợp tác, liên kết hướng đến cùng có lợi. (Ảnh Lộc Trời)
Doanh nghiệp nông dân hợp tác, liên kết hướng đến cùng có lợi. (Ảnh Lộc Trời)

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực lúa gạo, ông Phạm Thái Bình Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết giải pháp đường dài cho ngành lúa gạo hiện nay chính là cánh đồng lớn tức liên kết doanh nghiệp và nông dân – đôi bên cùng có lợi. "Chính phủ có giải pháp, chính là đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Nếu triển khai thành công nông dân có lãi, doanh nghiệp có lãi", ông Bình nói.

Cũng theo GS Võ Tòng Xuân, cần sắp xếp thị trường, chia thị phần gạo của mình ra để xuất khẩu hoặc bán trong nước. Nếu làm vậy các doanh nghiệp sẽ từ từ không còn tranh mua, tranh bán, mà mỗi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu của mình. Đây là con đường tương lai để gạo của Việt Nam có thể tiếp tục phát triển bền vững.

Hiện, nhiều thương lái của Châu Âu, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Hong Kong, Ma Cao… họ phân ra gạo xuất khẩu là 02 loại: 01 là gạo thơm, hạt dài ngon cơm của Thái Lan; và hai là gạo trắng, ngon cơm. Gạo trắng của Việt Nam xuất khẩu được khoảng 250-300 USD; còn gạo thơm Thái Lan giá 800-900 USD. Vì họ biết Thái Lan sản xuất gạo chỉ 1 lần/năm là lúa mùa, năng suất không cao đành phải mua giá 800 USD.

Còn hiện tại, gạo của Việt Nam có thể bán được giá 600-700 USD, thậm chí hơn giá của Thái Lan vì giống lúa mới, giá thấp nhưng gạo vẫn ngon cơm. Gạo ngắn ngày của Thái Lan của họ không thơm như mình. Đây không hẳn là do Ấn Độ, Thái Lan bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, mà là do gạo Việt Nam khởi sắc lên nhờ giống mới, điều mà gạo Thái Lan, Ấn Độ không có. Do đó GS Xuân dự báo trong năm 2024 giá gạo vẫn sẽ tiếp tục ở mức cao.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng cho thấy năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, mang về giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục kể từ năm 1989 khi Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo.

Minh An(T/h)