Nhu cầu tín dụng thấp
Tính đến 31-12-2023, tỷ lệ an toàn vốn của nhóm NHTM có vốn nhà nước là 9,64%, NHTM cổ phần là 11,86%. Với mức đó, các NHTM vẫn có khả năng gia tăng các khoản tín dụng chịu rủi ro, mà vẫn đảm bảo tỷ lệ trong khung quy định. Tuy nhiên nhu cầu vốn của nền kinh tế chưa khởi sắc.
Dù mặt bằng lãi suất đã giảm về mức thấp nhất trong 20 năm qua, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khách hàng thu hẹp quy mô hoạt động, dẫn đến nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh không tăng. Thêm vào đó, sức mua trên thị trường giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, cũng ảnh hưởng đến các khoản vay tiêu dùng.
Trong những tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, cũng như việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các DN ngại đầu tư, các hoạt động tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân còn chậm, dẫn đến cầu vốn trong nền kinh tế vẫn ở mức thấp. Đó là những vấn đề vẫn tồn tại và là bài toán khó để đẩy mạnh tín dụng như kỳ vọng trong năm 2024.
Phía NHNN có thông tin, tín dụng tháng 1 có giảm, tháng 2 giảm ít hơn. Như vậy tín dụng tháng sau đã có sự tăng trưởng hơn. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi mức tăng của tháng 3, quý I và các tháng tiếp theo, để có giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng sẽ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Tập trung các giải pháp chính
Đúng là phát triển sản xuất, kinh doanh của các DN là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kích hoạt nền kinh tế. Tại Hội nghị triển khai ngành NH năm 2024, NHNN đề ra mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu khoảng 6-6,5%, và cũng đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% của năm 2024 cho các tổ chức tín dụng (TCTD).
Dư địa rộng rãi, nhưng để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong tình hình hiện nay, các NHTM lúc này cần tiếp tục chính sách lãi suất cho vay thấp so với thị trường, chủ động tiết giảm chi phí hoạt động tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, nhằm góp phần bình ổn tâm lý thị trường.
Vấn đề nữa là cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rà soát, đơn giản hóa nhằm rút ngắn quy trình, thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng để đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý đề nghị của khách hàng.
Các chương trình tín dụng ưu đãi hướng đến các nhóm khách hàng mục tiêu cũng cần được đẩy mạnh hơn, đồng thời tiếp tục đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Thực tế cho thấy, chương trình hỗ trợ cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản rất thành công.
Sau khi các NHTM đã giải ngân hết 15.000 tỷ đồng trong năm 2023, đến thời điểm này, chương trình đã được tăng lên thành gói 30.000 tỷ đồng để khuyến khích các hộ kinh doanh mở rộng hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nguyên liệu cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản - lĩnh vực có lợi thế quốc gia và cũng là động lực tăng trưởng. DN đang cần có nhiều hơn những chương trình tín dụng thiết thực như vậy.
NHNN phải tiên phong
Hiện NHNN đã và đang duy trì điều hành chính sách tiền tệ ổn định. Nhưng bên cạnh đó, nhà điều hành cần đồng thời hỗ trợ các TCTD trong việc kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, để các dự án có vay vốn nhanh chóng được triển khai.
Hay một số chương trình hỗ trợ cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN cần phải tăng cường các giải pháp thực hiện. Cụ thể, đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, thông qua việc NHNN cho mở rộng tham gia đối với các NHTM cổ phần.
Đồng thời, NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng, địa phương quan tâm công bố danh mục các dự án theo diện cho vay theo gói tín dụng này, để có hướng dẫn cho tổ chức công đoàn, đặc biệt là người lao động về các điều kiện để được tham gia gói.
NHNN cũng nên xem xét việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn khi tình hình thế giới hiện nay vẫn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của DN, đặc biệt là các DN tham gia chuỗi cung ứng.
Nếu không được gia hạn, khả năng nợ xấu của các NHTM sẽ gia tăng khi Thông tư 02 hết hạn vào ngày 30-6-2024, khiến các NHTM sẽ phải tập trung giải quyết các khoản dư nợ hiện tại và cân nhắc các khoản giải ngân mới.
Việc thay đổi nhóm nợ đối với các khoản dư nợ hiện tại cũng sẽ buộc các NHTM phải trích dự phòng rủi ro tín dụng cao hơn, đúng với quy định của Thông tư 11/2021/TT-NHNN, khiến chi phí của các NHTM sẽ gia tăng, gây khó khăn trong nỗ lực hạ lãi suất cho vay mà các NHTM đang thực hiện.
Hiện Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN vẫn có những điều bất cập, đặc biệt là các điều liên quan đến tinh thần của Nghị quyết 33/NQ-CP, về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Nếu không sửa đổi, các dự án đang bị vướng mắc pháp lý hoặc đang thiếu vốn, sẽ không đủ điều kiện để triển khai tiếp, khiến các DN bị chôn vốn mà không có giải pháp nào thay thế.
Bởi Thông tư 06 chỉ ra những đối tượng không được vay một cách chung chung, làm cho các NHTM khi không có thiện chí cho vay sẽ dễ dàng từ chối hồ sơ của khách hàng bất động sản, gây ảnh hưởng tới nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan ban ngành, thậm chí của cả hệ thống NH trong việc vực dậy thị trường bất động sản đang hết sức khó khăn hiện nay.
Trúc Mai