Bản Kẹo Nam, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn vắng vẻ, tiêu điều vì ma túy. Ảnh: Viết Lam
Bài 1: Bản làng tiêu điều vì ma túy
Ma túy đã làm cho một số bản làng vốn trù phú ở Tây Nghệ An trở nên tiêu điều, hàng trăm gia đình phải li tán. Không ít tổ chức cơ sở Đảng ở các bản làng này có nguy cơ bị “trắng” vì dần hết đảng viên, mà nguyên nhân một phần cũng vì ma túy… Một thực trạng rất đáng báo động đối với các địa phương thuộc vùng “rốn” ma túy này.
Khi “cơn bão” ma túy quét qua
Trước khi vào bản Kẹo Nam, chúng tôi được nhiều người từng công tác lâu năm ở xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An kể về cuộc sống yên bình, sự trù phú, giàu có của hàng chục hộ dân đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống ở đây. Theo lời kể, trước đây phần lớn các gia đình ở Kẹo Nam đều sở hữu nhà sàn bằng gỗ đinh hương, có nhiều trâu bò, lợn, gà... Nhiều người còn khẳng định, Kẹo Nam từng được xem là “bản mẫu” của cộng đồng dân tộc Khơ Mú không chỉ riêng xã biên giới Bắc Lý, mà còn với các địa phương khác ở phía Tây Nghệ An.
Phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ bám con đường độc đạo xẻ theo sườn núi với những con dốc dựng đứng, con suối cắt ngang, chúng tôi mới đến được bản biên giới Kẹo Nam. Bản làng của gần 60 hộ đồng bào dân tộc Khơ Mú hiện lên trước mắt chúng tôi thật vắng vẻ, hoang tàn với những ngôi nhà tạm bợ mái tranh, vách nứa xiêu vẹo. Không ít trong số những ngôi nhà được khóa trái cửa, ống khóa đã bị rỉ sét, ố vàng.
Đi từ đầu đến cuối bản, chúng tôi chỉ gặp những đứa trẻ trong bộ quần áo cũ kỹ, khuôn mặt lấm lem bùn đất, nhưng đôi mắt trong veo. Hỏi về bố mẹ, các em chỉ lắc đầu, im lặng. Mãi rồi cũng gặp được 2 người đàn ông đang nổi lửa lò rèn dao, ở một căn lều tạm. Nhưng, dường như họ không rành tiếng phổ thông hoặc do đề phòng với người lạ mà hỏi gì, chúng tôi cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Chỉ khi gặp được chị Mè Chu, một người phụ nữ nói khá rõ tiếng phổ thông thì câu chuyện về bản làng Kẹo Nam mới được hé mở. Theo lời của người phụ nữ này kể lại thì bản làng của họ trước đây ở một vị trí khác. Hồi ở bản cũ, tuy xa hơn vị trí bây giờ, nhưng mọi gia đình đều no đủ, sung túc. Đến năm 2012, theo chủ trương của địa phương, toàn bản đã chuyển về vị trí hiện tại.
Trong quá trình thực hiện việc di dời, do nghĩ rằng đến chỗ ở mới sẽ được hỗ trợ về nhà ở nên phần lớn các hộ dân đã bán đi căn nhà sàn gỗ, cùng gia súc lớn như trâu, bò. Thế nhưng, khi đến địa điểm mới, cuộc sống chưa kịp ổn định thì một số kẻ xấu đã tìm cách tiếp cận gieo “cái chết trắng” xuống bản làng. Hàng chục người trong bản “hút chơi” rồi nghiện ngập ma túy từ lúc nào không hay, tiền của từ việc bán nhà, trâu, bò ở bản cũ cũng vì thế mà tiêu tan. Bản làng trở nên nghèo đói đến tận bây giờ.
Cũng theo chị Mè Chu, phần lớn thanh niên, đàn ông khỏe mạnh trong bản đều đã rời bản đi làm ăn xa không chỉ để mưu sinh, mà còn để tránh ma túy. Thế nhưng, do phần lớn họ là lao động thời vụ nên thỉnh thoảng trở về bản và thế là lại dính vào ma túy. Nghiện ngập như cái vòng luẩn quẩn bám lấy cuộc đời của nhiều người, nhiều gia đình ở bản làng biên giới này. Cũng vì phần lớn thanh niên trong bản vướng vào ma túy, rồi đi làm ăn xa mà Chi bộ Đảng bản Kẹo Nam đã nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới. Đây là một trong nhiều chi bộ ở huyện biên giới Kỳ Sơn nằm trong diện nguy cơ bị “trắng” đảng viên.
Không xa xôi, hẻo lánh như bản biên giới Kẹo Nam, bản tái định cư Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương chỉ cách trung tâm huyện trên 10km cũng đang phải gánh chịu những hệ lụy khủng khiếp từ ma túy. Xốp Mạt từng được biết đến như “chợ ma túy” giữa rừng, nơi “sản sinh” ra những “ông trùm” ma túy khét tiếng như La Văn Hoài, Lô Văn Tuấn (Tuấn “trưởng bản”), Vi Văn Thông... với việc tổ chức vận chuyển, buôn bán hàng trăm bánh heroin. Một thời gian dài bị cơn bão ma túy càn quét, Xốp Mạt trở nên tiêu điều, xác xơ. Nhiều đứa trẻ mất cha, vợ mất chồng... hàng chục gia đình tan nát.
Câu chuyện của gia đình ông Lô Viết Luân, nguyên cán bộ xã Lượng Minh (nay đã mất) vẫn được người dân trong bản kể lại với sự cảm thông, lẫn chua xót. Ngày trước, cả ông Luân và vợ đều là cán bộ xã. Ông bà có 10 người con thì có 8 người dính vào ma túy. Người thì nghiện, chẳng làm ăn được gì; người thì đi tù vì tham gia vào các đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy. Câu chuyện của gia đình chị Kha Thị Tích cũng khiến không ít người trách móc, nhưng không khỏi thương hại.
Nhiều năm trước, chồng chị vốn nghiện ngập, rồi trở thành một mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy. Khi đường dây này bị lực lượng chức năng bóc gỡ, chồng chị bị bắt và kết án tù chung thân. Chị tiếp tục bị những kẻ xấu móc nối vào con đường tội lỗi. Lúc đầu chị không dám, nhưng rồi vì cần có tiền nuôi hai đứa con còn nhỏ dại chị đành “nhắm mắt đưa chân”. Chị Tích bị bắt khi nhận xách hàng thuê, bị đưa ra xét xử và kết án 5 năm tù. Ngày mãn hạn tù trở về, người phụ nữ đau đớn khi ngôi nhà trở nên hoang tàn, lạnh lẽo, 2 đứa con bỏ đi đâu không ai biết...
Còn rất nhiều câu chuyện mà nỗi đau do ma túy gây ra trong từng gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số và cũng còn nhiều bản làng đang có nguy cơ bần cùng hóa như Kẹo Nam, Xốp Tụ ở vùng đất phía Tây Nghệ An.
Hành lang trọng điểm về ma túy
Tỉnh Nghệ An có 419km đường biên giới tiếp giáp với các tỉnh Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay và Hủa Phăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Khu vực biên giới hai bên có địa hình rừng núi, sông suối hiểm trở, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy xuyên quốc gia lén lút hoạt động. Trên thực tế, từ lâu, địa bàn các huyện phía Tây Nghệ An luôn được xác định là một hành lang trọng điểm để tội phạm vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào vào nước ta và đi các nước khác tiêu thụ.
Tuy nhiên, Nghệ An không chỉ được biết đến là địa bàn “nóng bỏng” của tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy hoạt động, mà còn là một trong những địa phương có tỉ lệ người nghiện ma túy thuộc hàng cao nhất của cả nước.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến ngày 31-12-2017, toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 6.901 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, 21/21 huyện, thành, thị xã và 346/480 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy; 376/480 xã, phường, thị trấn có ma túy, trong đó có 141 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy. Đặc biệt, người nghiện ma túy ở Nghệ An tập trung khá cao ở địa bàn các huyện miền núi, biên giới phía Tây của tỉnh - Khu vực định cư chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, mức độ phát triển kinh tế còn khá thấp, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế so với những khu vực khác của địa phương.
Trong đó, đáng chú ý như huyện Tương Dương có trên 1.200 người nghiện; huyện Kỳ Sơn có 687 người nghiện; huyện Quế Phong trên 500 người nghiện; huyện Con Cuông có trên 290 người nghiện; huyện Quỳ Châu có trên 257 người nghiện (có hồ sơ quản lý). Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đó chỉ là những con số thống kê chưa đầy đủ, trên thực tế, số người nghiện ma túy ở các địa phương thuộc Tây Nghệ An có thể còn cao hơn nhiều.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người nghiện ma túy ở các địa phương phía Tây Nghệ An chiếm tỉ lệ cao. Ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quế Phong, người có nhiều năm gắn liền với công tác cai nghiện tại địa phương vùng cao chia sẻ: “Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho huyện biên giới Quế Phong nói riêng và các huyện phía Tây Nghệ An nói chung có số người nghiện ma túy cao. Trong đó, có thể kể đến yếu tố lịch sử, trước đây, các địa phương này vốn là những địa bàn bà con lén lút trồng nhiều cây thuốc phiện và số người sử dụng thuốc phiện khá cao.
Dù các lực lượng chức năng đấu tranh ngăn chặn quyết liệt, nhưng đây vẫn là địa bàn trọng điểm về tái trồng cây thuốc phiện và buôn bán ma túy. Hơn nữa, trong những năm gần đây, trên địa bàn các huyện có nhiều công trình xây dựng lớn như thủy điện, đường giao thông thu hút lượng công nhân rất lớn về làm việc, kéo theo đó nhiều tệ nạn xã hội trong đó có ma túy. Đặc biệt nhân dân sinh sống trên địa bàn chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, họ chưa hiểu hết được tác hại của ma túy gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội nên dễ bị lôi kéo sử dụng”.
Ông Lê Quang Trung cũng cho biết thêm, trong quá trình hành nghề, ông đã chứng kiến nhiều người nghiện khát khao từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, với họ, cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ với chính mình không hề đơn giản và không dễ dành phần thắng.
Bài 2: Khát khao làm lại cuộc đời
Viết Lam (báo Biên Phòng)