Nhức nhối nạn phân bón giả
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn của cả nước, diện tích lúa 1,6 triệu ha. Tại đây, chỉ sau vài đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục nhãn hiệu phân bón giả, kém chất lượng.
Đáng chú ý, có những cơ sở kinh doanh chỉ qua một lần bốc mẫu kiểm tra, đã phát hiện 2 - 3 mặt hàng vi phạm. Tại Trà Vinh, trong 3 năm qua, Sở Công thương đã lấy 158 mẫu phân bón kiểm tra, phát hiện gần một nửa mẫu phân bón giả, kém chất lượng. Tại Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, đoàn liên ngành 389 đã 2 lần ra quân lấy mẫu kiểm tra các mặt hàng phân bón vô cơ. Kết quả đợt 1 cho thấy, lực lượng chức năng đã kiểm tra 31 cửa hàng kinh doanh phân bón. Lấy 77 mẫu phân gửi đi kiểm nghiệm chất lượng theo các tiêu chí nhà sản xuất công bố trên nhãn hàng hóa, tất cả có 13 mẫu phân của 11 cửa hàng vật tư nông nghiệp không đạt chất lượng như công bố.
TP. Hồ Chí Minh, mới đây, thực hiện kiểm tra thị trường phân bón tại huyện Bình Chánh tại 56 đơn vị thì có 20 đơn vị không có giấy phép, trong đó khởi tố 3 đơn vị, bắt 17 bị can…
Đặc biệt, vụ sản xuất phân bón giả tại Công ty CP Thuận Phong (Đồng Nai) gây bức xúc, thậm chí mất niềm tin trong nhân dân. Để giải quyết tồn tại này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo cho kiểm tra lại theo đúng pháp luật, đã trưng cầu ý kiến của các bộ để thống nhất đánh giá, giải thích thông tư của Bộ Công thương về chất chính và thành phần chính, kết luận thành phần chính là chất chính. Như vậy, sản phẩm không đủ đảm bảo chất chính, thành phần chính này là phân bón giả.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có văn bản chỉ đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai phải ra quyết định hủy quyết định phê chuẩn của mình đối với quyết định không khởi tố của công an tỉnh Đồng Nai, từ đó sẽ phục hồi điều tra. Việc này, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an chỉ đạo để điều tra vụ án, đồng thời Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo việc xem xét đối với cán bộ điều hành, nếu có vi phạm thì xử lý đúng quy định của pháp luật.
Phân bón giả - dẫn đến bần cùng hóa đời sống của bà con nông dân
Khoảng 60 triệu người Việt đang sống bằng nghề nông phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc sử dụng phải phân bón giả. Hậu quả, nhẹ thì thiệt hại mùa màng, nặng thì mất trắng. Đất đai bạc màu, cằn cỗi dẫn đến bần cùng hóa đời sống của bà con nông dân. Theo ước tính của cơ quan chức năng, gần 60.000 tỷ đồng là thiệt hại của ngành nông nghiệp mỗi năm vì phân bón giả. Các doanh nghiệp kinh doanh phân bón chân chính sẽ bị tận diệt hoặc thua lỗ do hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Quản lý: Nhiều bất cập
Nêu ý kiến trước thực trạng này, ông Phạm Quang Tuyến, Tổng giám đốc Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho rằng: Vấn đề chính là Việt Nam chưa có bộ quy chuẩn để sản xuất phân bón, song lại sản xuất tới 1.100 loại. Trong khi đó, Trung Quốc đã có bộ quy chuẩn cũng chỉ cho sản xuất 200 loại.
Thực tế là thả phanh sản xuất, thả phanh cấp phép thành lập các doanh nghiệp tư nhân sản xuất phân bón. Ai bám vào đâu để nói giả, kém chất lượng? Logo của thương hiệu phân bón Lâm Thao là 3 nhành lá cọ, nhưng nhiều đơn vị sản xuất khác lại “biến hóa” thành những logo na ná: 3 nhành lá khoai, 3 nhành lá sen, hàm lượng dinh dưỡng không ai quản lý...
Trên thị trường, nhiều loại phân bón với hàm lượng không đảm bảo, kinh doanh chộp giật, buôn bán một vụ, mùa sau không thấy đâu, bà con mua xong không biết đâu mà tìm. Hơn nữa, đại lý cấp 2, 3 ở các xã, nhiều khi tham lợi nhuận cao, ém hàng thật vào trong.
Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng phòng Kinh doanh phân bón Lâm Thao cho biết: Đối với hàng Supe Lâm Thao, lâu rồi không có hàng giả, nhưng giờ có nhiều hàng nhái, bao bì mẫu mã, logo gần giống. Giải pháp của Lâm Thao để xử lý việc đó, chủ yếu trên các hội nghị, hội thảo trực tiếp với dân, đưa luôn 2 vỏ bao bì ra để so sánh cho người dân phân biệt, nhận biết. Cách này làm đã lâu và có hiệu quả, nhưng bà con không biết hết được, chủ yếu do người mua ham rẻ, người bán hàng cố tình bán hàng nhái để được phần trăm cao hơn. Hàng Lâm Thao bị xếp bên trong, hàng chất lượng kém bên ngoài, khi nào bà con hỏi thì mới đưa ra.
Một khách hàng lớn, mỗi năm phân phối trên 100.000 tấn supe Lâm Thao nhìn nhận: Sự cấp phép tràn lan, quản lý kém, chưa đồng bộ; thêm vào đó, các khung chế tài chưa chặt chẽ: Trên 30 tấn mới truy tố, dưới 30 tấn chỉ phạt hành chính. Nhiều trường hợp bắt đến cả trăm tấn thì cũng quy hết dưới 30 tấn để phạt, phạt khoảng 100 - 200 triệu trong khi lợi nhuận hàng nhiều tỷ thì không đủ sức răn đe.
Vì vậy, dù có nhiều giải pháp đẩy lùi phân bón kém chất lượng, vẫn chưa hiệu quả. Hàng ngày, hàng giờ, nhiều loại phân bón với hàm lượng dinh dưỡng thấp, bán rẻ hơn một chút vẫn được bà con mua về, thành ra ném đất đá xuống ruộng, rất nguy hiểm… Thiệt thòi trước tiên cho bà con và thương hiệu, nhà phân phối trung thành cũng nản vì đại lý bán nhiều loại thì lợi nhuận cao.
Những giải pháp căn cơ
Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã giao Hiệp hội Phân bón Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức Hội thảo “Lập lại thị trường phân bón Việt Nam”. Trong hội thảo, có đề nghị phải tổng kiểm tra thị trường phân bón cứng, có lực lượng công an, thanh tra nông nghiệp, quản lý thị trường, hội đồng nhân dân các cấp kiểm tra vi phạm là xử lý.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, nhằm thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ và các ban ngành liên quan trong việc đẩy lùi thực trạng phân bón giả, kém chất lượng; đồng thời lấy lại niềm tin của nhân dân vào thị trường phân bón, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức hội thảo: Định hướng chiến lược phát triển phân bón hữu cơ - được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hoan nghênh tán thành. Dự kiến tổ chức vào cuối tháng 8/2017.
Trong hội thảo này có kết hợp phổ biến Nghị định mới về quản lý phân bón của Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Giải pháp chính, sau khi hội thảo diễn ra thì phải tổng kiểm tra toàn quốc, kiểm tra cứng chứ không phải kiểm tra hành chính thông thường. Vì kiểm tra hành chính thông thường xong lập hồ sơ để đó, còn kiểm tra cứng là xử lý luôn. Đó là mắt xích rất quan trọng để củng cố thị trường phân bón giả”.
“Vai trò của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn được Nhà nước giao thì phải tổ chức ngay hệ thống trung tâm kiểm định có chất lượng có máy móc, có cán bộ đủ điều kiện để làm, chứ không thể để như thời gian qua - Thanh tra Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn kiểm tra 11 đơn vị thì sai hết tất cả 11 đơn vị và một số đơn vị bị khởi tố, bị bắt. Vì trung tâm kiểm định là nơi khách quan nhất, mang tính chất khoa học nhất để chứng minh đúng hay sai. Kiểm định là xác nhận chất lượng sản phẩm, mà chất lượng cơ quan này không đúng thì vứt đi hết. Thị trường phân bón không mạnh cái này dứt khoát không kiểm soát nổi”, ông Thúy khẳng định.
Trên thực tế, những thương hiệu yếu và kém thường nhái thương hiệu nổi tiếng bằng những logo, khẩu hiệu na ná để đánh lừa người nông dân. “Bây giờ có đợt tổng kiểm tra thì mới xử lý được. Đặc biệt, trong nghị định mới thì có mục là hàng giả, nhái nhãn mác thì phải trừng trị… Sắp tới đây sẽ có bộ quy chuẩn để sản xuất phân bón - sẽ là những giải pháp giải quyết thị trường phân bón giả”, ông Thúy tin tưởng.
Thanh Hà