Trao đổi với Thương hiệu & Công luận, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, tại Việt Nam, có 2 “van” điều tiết giá xăng dầu là Quỹ bình ổn giá xăng dầu và thuế. Trong khi “van” thứ nhất - Quỹ bình ổn giá xăng dầu gần cạn kiệt, thì việc điều tiết giá phải trông chờ vào “van” thứ 2 là thuế.

Doanh nghiệp lo mất khách

Chia sẻ với Thương hiệu & Công luận, đại diện công ty TNHH Dịch vụ và Vận tải Dũng Minh từ đầu năm 2020 đến nay, chi phí xăng dầu đã tăng 50% (riêng từ đầu năm 2021 đến nay là khoảng 30%). Từ đầu tháng 10, hãng xe Dũng Minh bắt đầu chạy lại tuyến Hà Tĩnh- Hà Nội và ngược lại sau nhiều tháng đắp chiếu. Trước việc giá xăng tăng cao kỷ lục, đại diện này không khỏi lo lắng, vì chi phí này chiếm tới 40-50% giá cước vận tải, và doanh nghiệp đang phải bù lỗ vì lượng khách rất ít. 

“Hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân chưa cao, trong khi đó, nguyên liệu đầu vào là giá xăng tăng mạnh nếu công ty vẫn duy trì mức giá cũ là 230.000 đồng/người/chiều thì sẽ lỗ nặng. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa tính phương án điều chỉnh giá vé, mà nếu không điều chỉnh, doanh nghiệp rất khó khăn. Chúng tôi xem xét tăng giá vé vào thời điểm thích hợp chứ chưa thể tăng ngay”, vị đại diện nói. 

Doanh nghiệp vận tải lâm vào khó khăn nếu giá xăng không được điều chỉnh
Doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn nếu giá xăng không được điều chỉnh

Cùng chung cảnh ngộ, quản lý một hãng xe chuyên tuyến Thanh Hoá – Hà Nội cho biết gần một tuần nay đau đầu khi phải điều chỉnh lại giá dịch vụ vì xăng tăng giá. "Chúng tôi có 5 xe tải chở hàng hoá và 3 xe chở hành khách. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên lượng khách đi lại còn hạn chế, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến, trong khi đó chúng tôi cố gắng xây dựng giá thành cạnh tranh nhất để đảm bảo 5 xe tải đều hoạt động. Như vậy, chúng tôi mới duy trì được hoạt động và đảm bảo tiền lương cho người lao động”, vị này bộc bạch.

Cụ thể, cước chuyển hàng hóa từ Thanh Hoá ra Hà Nội, hãng xe đã tăng thêm 2.000 đồng/kg là 4.000 đồng/kg. Còn giá vé lượt cho khách tăng thêm 15% như tuyến Hà Nội – Thanh Hoá là 200.000 đồng/người/lượt.

"Giá xăng ở mức 12.000 - 13.000 đồng/lít thì cả tuyến Thanh Hoá – Hà Nội, nhà xe chỉ tốn 2 triệu đồng tiền nguyên liệu, còn bây giờ, tiền xăng phải lên tới 3 triệu đồng", anh cho hay.

Sau khi điều chỉnh giá xăng dầu lên hơn 1.400 đồng/lít vào cuối tháng 10, mức bán lẻ xăng dầu tại thị trường trong nước đã tăng lên mức kỷ lục. Cụ thể, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 23.110 đồng/lít; RON 95 là 24.330 đồng/lít, dầu diesel là 18.710 đồng/lít; dầu hỏa 17.630 đồng/lít; dầu mazut là 17.210 đồng/kg.

Không chỉ các công ty vận tải, nhiều người dân cũng lo lắng mỗi khi nhận hóa đơn, trả cước vận chuyển. Chị Thu Châu (Hà Nội) chia sẻ: theo hợp đồng với chủ xe, mỗi thùng hàng tối đa 40 kg sẽ có giá cước là 200.000 đồng, tuy nhiên, từ cuối tuần qua, nhà xe báo tăng cước thêm 50.000 đồng do giá xăng tăng. “Để giữ giá hàng hóa ổn định đến tay khách, tôi chấp nhận "ăn lãi mỏng" hơn, chứ tăng theo giá xăng thì mất khác”, chị Châu cho hay.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất và ảnh hưởng đến thu nhập, chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho GDP giảm 0,5 điểm phần trăm và chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.

Chính sách thuế không thể đứng ngoài cuộc

Trao đổi với Thương hiệu & Công luận, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nền kinh tế đang rất khó khăn, trong khi giá xăng là đầu vào của các hoạt động kinh tế xã hội. Giá xăng tăng cao sẽ đẩy chi phí nhiều lĩnh vực khác, gây thêm khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế.

Theo đánh giá của chuyên gia Ngô Trí Long, giá xăng tăng sẽ tác động tới 2 mặt của nên kinh tế, một là Việt Nam sẽ hưởng lợi tăng thu ngân sách từ nguồn khai thác, chế biến dầu. Bên cạnh đó, có tác động ngược trở lại nền kinh tế đó là, giá xăng tăng cao trong lúc kinh tế mở cửa trở lại sẽ ảnh hưởng đến đà hồi phục của doanh nghiệp, đặc biệt là vận tải, đánh bắt xa bở, nông nghiệp… tạo thêm gánh nặng chi tiêu cho người dân.

Để “kiềm chế” giá xăng tăng, ông Long cho rằng có thể sử dụng “van” Quỹ bình ổn xăng dầu và “van” thuế.

Ông phân tích, hiện nay Quỹ bình ổn giá xăng dầu gần cạn kiệt, do đó, điều tiết giá phải trông chờ vào “van” thứ 2 là thuế. Hiện, 1 lít xăng dầu bán ra phải gánh 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT, 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (3.800 - 4.000 đồng/lít).

Ông Long đặt vấn đề: “Trong bối cảnh hiện nay có nên giảm thuế hay không và giảm các loại thế nào?”. Ông cho rằng, hiện nay ngân sách Nhà nước rất khó khăn, nguồn thu giảm do tác động dịch bệnh. Do đó, việc giảm thuế cần phải xem xét. Để giảm thuế cả hệ thống chính trị phải vào cuộc “Trong bổi cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao thì có thể tăng cường khai thác để tăng thu ngân sách; tăng cường kiểm soát, chống buôn lậu xăng dầu; đẩy mạnh hoạt động chống thất thu thuế như: thuế online…”, ông Long nói.

Chuyên gia tính toán, hiện nay thuế nhập khẩu xăng dầu không thể giảm được nữa; Còn thuế VAT, tại Nghị quyết 406 về việc giảm thuế VAT cho một số hàng hóa, dịch vụ, không đề cập đến giảm thuế VAT cho mặt hàng xăng dầu. Như vậy, hiện nay còn mỗi thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. “Có thể xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường”, ông Long nhấn mạnh.

Ông nhẩm tính, giá dầu thế giới hiện chỉ bằng 75% mức đỉnh năm 2014, nhưng giá bán lẻ gần bằng thời điểm đó, do thuế môi trường, tỷ giá chênh lệnh cao. Thuế môi trường như hiện nay là quá cao, không thay đổi theo giá thị trường. Vì vậy, cần giảm thuế này để giảm giá thành sản phẩm.

Ông Trần Duy Đông, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương): Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ, kiến nghị một số giải pháp, trong đó có đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét cân nhắc giảm thuế, phí như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và nhất là thuế bảo vệ môi trường.

Hưng Khánh