Văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nêu rõ, Bộ đã nhận được thông báo của Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, yêu cầu kiểm tra theo hình thức trực tuyến 05/12 doanh nghiệp chế biến nước ép trái cây đông lạnh có lô hàng vi phạm quy định an toàn thực phẩm.
Theo các Lệnh 248, 249 của Trung Quốc, sản phẩm nước ép trái cây không nằm trong danh mục 18 nhóm sản phẩm phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền Việt Nam, nên các doanh nghiệp chủ động đăng ký trực tiếp với Tổng cục Hải Quan Trung Quốc. Tuy nhiên, quy định tại Điều 12 Lệnh 248 "Quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" của Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu: Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực) nơi đặt trụ sở hoặc doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, đầy đủ và hợp pháp của các tài liệu được nộp.
Qua rà soát 12 doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT nhận thấy, một số doanh nghiệp có thông tin đăng ký với phía Trung Quốc không chính xác (một số doanh nghiệp chỉ có hoạt động thương mại không có hoạt động sản xuất, một số doanh nghiệp có lô hàng bị cảnh báo vi phạm về an toàn thực phẩm...).
Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, việc chủ động trong đàm phán mở cửa thị trường và phối hợp với phía Trung Quốc xử lý các vướng mắc đóng vai trò quan trọng. Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nước ép trái cây đông lạnh nói riêng và sản phẩm chế biến nông sản nói chung, Bộ NN&PTNT đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Bắc Ninh, Đà Nẵng, TP. HCM thống kê, cập nhật đầy đủ danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Bộ.
Công văn cũng yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định của Việt Nam và các yêu cầu tại các Lệnh 248, 249 trong xuất khẩu nông lâm thủy sản vào Trung Quốc.
Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc các sản phẩm ngoài danh mục 18 nhóm sản phẩm của Lệnh 248, 249, Bộ NN&PTNT yêu cầu các doanh nghiệp bên cạnh việc đăng ký trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cần gửi hồ sơ đăng ký thông tin với cơ quan quản lý địa phương và Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản của Bộ NN&PTNT, để phối hợp xử lý các vướng mắc theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc.
Bộ NN&PTNT yêu cầu giám sát, kiểm tra, thanh tra chặt chẽ (hậu kiểm) đối với các doanh nghiệp trong việc tuân thủ và duy trì đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm của Việt Nam và Trung Quốc. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.
Thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay Trung Quốc đang ngày càng hoàn thiện và tăng cường thực thi chính sách với nhiều quy định ngày càng nghiêm ngặt về công tác xuất, nhập khẩu hàng hoá khi hai lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm và ban hành Lệnh 248, 249 (năm 2021) ban hành Lệnh 259 (năm 2022).
Vì vậy, theo các chuyên gia Việt Nam, sẽ phải có chiến lược phát triển bền vững lâu dài cho nông sản từ chất lượng, đến thương hiệu tại thị trường Trung Quốc.
"Chú ý đến tính bền vững của việc đáp ứng quy định, không phải là chỉ làm tốt giai đoạn đầu là xong sau đó sẽ lơ là đi vì bản thân Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan của Trung Quốc cũng sẽ kiểm tra định kỳ sau khi cấp mã", bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT khuyến cáo.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý: "Cố gắng đi theo chính ngạch đảm bảo sự bền vững của xuất nhập khẩu nông sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước hai bên".
Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam trong năm nay khoảng từ 54 - 55 tỷ USD. Việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc có ý quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu trên.
Lê Pháp (T/h)