Giai đoạn 2020-2023, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện tốt công tác tham mưu, hướng dẫn và thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về việc làm; chủ động triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội nói chung, người lao động nói riêng và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, nhất là doanh nghiệp và người lao động tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, kịp thời nhất các chính sách, pháp luật về việc làm.
Kết quả, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 252.000 lao động, vượt 3,3% kế hoạch (năm 2020 là 62.110 người, năm 2021 là 67.190 người, năm 2022 là 59.850 người, năm 2023 là 62.850 người); trong đó, đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 40.960 lao động, vượt 57,5% kế hoạch (năm 2020 là 5.718 người, năm 2021 là 6.030 người, năm 2022 là 14.083 người, năm 2023 là 15.129 người, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tính cực: Giảm tỷ lệ lao động làm việc trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp (từ 41,3% xuống 30,56%); tăng tỷ lệ lao động làm việc trong ngành công nghiệp - xây dựng (từ 33,3% lên 41,6%), trong ngành dịch vụ (từ 25,4% lên 27,84%); giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị (từ 3,2% xuống 2,8%); giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn (từ 6,2% xuống 5,8%). Đồng thời, tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 3.000 thanh niên giúp họ có thể tự tạo việc làm, có thu nhập ổn định.
Cũng trong giai đoạn này, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi tạo việc làm, nguồn vốn được đầu tư đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đã cho vay 2.092,8 tỷ đồng với 30.036 lượt người lao động được vay vốn. Dư nợ tại thời điểm 31/12/2023 là 1.655,9 tỷ đồng với 22.899 người lao động còn dư nợ...
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Quy định đối tượng vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế; nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hiện nay mới chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu vay vốn của nhân dân trong tỉnh. Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nghiệp của một số cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh chưa cao; chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các Chương trình MTQG còn gặp một số vướng mắc, khó khăn. Đối tượng tham gia BHTN tại Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động.
Sở LĐ-TB&XH cũng đề nghị Quốc Hội sửa đổi Luật Việc làm năm 2013, bổ sung quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; quy định liên quan đến hoạt động dịch vụ việc làm; các chính sách, đối tượng tham gia BHTN, chính sách việc làm; bổ sung quy định về ưu tiên các đối tượng người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, người lao động là thân nhân người có công với cách mạng...
Đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành sớm điều chỉnh chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài (theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) sang hỗ trợ trọn gói cho người lao động theo từng thị trường lao động và đối tượng cụ thể do việc để người lao động cung cấp chứng từ nhận hỗ trợ rất khó khăn. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng sớm ban hành và mở rộng danh mục ngành, nghề để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quốc.
Kiến nghị chính quyền địa phương, tăng cường bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; chỉ đạo lực lượng công an nắm tình hình các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát đã gợi mở một số nội dung đề nghị Sở LĐ-TB&XH đánh giá hiệu quả trong việc thực hiện chính sách; đồng thời, làm rõ thêm về những tồn tại, bất cập trong quy định của pháp luật trong thực hiện các chính sách, lao động, việc làm.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát Mai Văn Hải đánh giá cao những kết quả mà Sở LĐ-TB&XH đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm giai đoạn 2020-2023; cũng như công tác chuẩn bị nội dung làm việc với đoàn. Đồng thời, trao đổi thêm một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm như: Các chính sách về tín dụng ưu đãi về lao động, việc làm, đặc biệt là nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay xuất khẩu lao động cho các đối tượng; các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn; việc mở rộng đối tượng được hưởng chế độ BHTN; công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động.
Để tiếp tục triển khai, thực hiện tốt hơn nữa các chính sách, pháp luật về việc làm, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mai Văn Hải đề nghị ngành LĐ-TB&XH cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các địa phương về thực hiện chính sách, pháp luật về lao động và việc làm; đánh giá lại chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động ở nông thôn, đặc biệt là vấn đề chuyển dịch lao động; khó khăn trong mở các lớp dạy nghề ngắn hạn; đánh giá việc hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm, cũng như việc thành lập và phát triển doanh nghệp trong lĩnh vực việc làm tại các địa phương; đánh giá và kiến nghị và bổ sung thêm chính sách trong việc chi quỹ BHTN cho người lao động và một số chính sách khác liên quan đến chế độ BHTN.
Đồng chí cũng đề nghị, Sở LĐ-TB&XH tiếp thu ý kiến của các thành viên đoàn giám sát, hoàn thiện nội dung báo cáo theo đề cương, yêu cầu của đoàn, để tổng hợp báo cáo Quốc hội và đề xuất các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm.
An Nhiên