Báo động những con số
Trong 20 năm qua, nước ta đã phải hứng chịu hầu hết các loại thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến môi trường sống, sản xuất của người dân (ước tính thiệt hại hàng năm từ 1,0÷1,5% GDP).
Có thể nói, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt, dị thường, tính trái quy luật ngày càng gia tăng và ở mức độ, cường độ ngày càng lớn hơn, liên tục hơn, đặc biệt là những trận mưa lớn vào cuối mùa khi các hồ chứa đã tích đầy nước, bão rất mạnh vào khu vực ít khi xảy ra... đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Mười năm qua, mỗi năm thiên tai khiến trên 300 người chết và mất tích; thiệt hại kinh tế trung bình khoảng 17.000 tỷ đồng (tương đương 876 triệu USD) và có xu hướng ngày càng gia tăng: Năm 2013 là 28.000 tỷ đồng; năm 2016 là 40.000 tỷ đồng; năm 2017 gần 60.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2017, thiên tai dồn dập, bất thường, xuất hiện nhiều kỷ lục về các loại thiên tai (rét hại, nắng nóng, mưa lũ, bão, lũ quét, sạt lở đất…) đã làm 385 người chết và mất tích, 654 người bị thương; 8.126 nhà bị đổ, sập, trôi; 561.696 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 352.943 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; 65.350 con gia súc và 02 triệu con gia cầm bị chết; 41.920 lồng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại... Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 59.300 tỷ đồng.
Thiên tai ngày càng khốc liệt gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản
Với tinh thần chủ động, quyết liệt, công tác phòng chống thiên tai đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; hệ thống cơ sở hạ tầng và công trình phòng chống thiên tai ngày càng tốt hơn…
Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém: chính quyền, người dân ở một số vùng còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức; công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp; tổ chức bộ máy còn bất cập, lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai thiếu cả về số lượng và chất lượng, phần lớn là kiêm nhiệm, tính chuyên nghiệp chưa cao, năng lực ứng phó còn nhiều hạn chế; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương chưa lường hết những tác động đến thiên tai và rủi ro thiên tai; thiếu nguồn lực cho phòng chống thiên tai.
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động nhanh và mạnh hơn so với dự báo đến thời tiết, thiên tai nước ta, đồng thời các hoạt động khai thác tài nguyên (nước, rừng, cát, sỏi) phía thượng nguồn hệ thống sông Hồng, sông Mê Kông đã và đang làm gia tăng rủi ro thiên tai, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, triển khai các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội để phòng chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai trong thời gian tới.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015 - 2020; 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trên cả nước được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng; 100% số hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở bảo đảm an toàn...
Những giải pháp khắc phục
Một chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống thiên tai thẳng thắn nêu quan điểm: Tình trạng chặt phá rừng, khai thác trái phép khoáng sản đã phá nát thảm thực vật và kết cấu địa tầng, khiến kết cấu đất đai trở nên yếu, dễ bị sạt lở. Để ứng phó với thảm họa thiên tai, cần tăng cường nâng cao hiệu quả của công tác cảnh báo, phòng ngừa. Tạm thời, cần áp dụng các giải pháp như lập hàng rào bảo vệ, hàng rào bao cát. Về lâu dài, cần phải chia rõ quản lý độ dốc bằng cách xây mỏ neo, khung bê tông; quản lý lở đất thông qua việc đào các giếng nước, quản lý dòng rác (xây đập khe thép).
Mù Cang Chải, Yên Bái tan hoang sau lũ quét vào 8/2017
Nghị quyết 76/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 18/6/2018 về công tác phòng chống thiên tai đã nêu rõ các giải pháp để nâng cao năng lực, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của người dân và Nhà nước.
Một trong các giải pháp tổng thể đó là về cơ sở hạ tầng, đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa nước, khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão; kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, các công trình phòng chống thiên tai; nâng cao khả năng tiêu thoát nước, quản lý chặt chẽ, hạn chế việc san lấp ao, hồ…
Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời, hỗ trợ ra quyết định phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trước hết là trung tâm chỉ đạo, điều hành cấp quốc gia, cấp tỉnh, từng bước hiện đại hóa tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực.
Đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động khí tượng thủy văn, xây dựng hệ thống quan trắc chuyên dùng phòng chống thiên tai.
Ưu tiên ứng dụng khoa học - công nghệ trong quan trắc theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành, ứng phó thiên tai. Tập trung ứng dụng công nghệ viễn thám, tin học, tự động hóa, trực tuyến trong quan trắc, giám sát, quản lý, khai thác, dự báo, truyền cơ sở dữ liệu và vận hành ứng phó theo thời gian thực; ứng dụng vật liệu mới, giải pháp mới trong phòng chống thiên tai.
Nghị quyết cũng nêu cụ thể một số giải pháp trọng tâm đối với các vùng, miền. Theo đó, với vùng, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, xác định khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình, tổ chức thông tin cảnh báo, dự báo, điều chỉnh sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại về người, đảm bảo sinh kế bền vững phù hợp với tập quán từng khu vực.
Vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đảm bảo an toàn đê điều, quản lý chặt chẽ quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất, nhất là sử dụng đất bãi sông để bảo vệ không gian thoát lũ. Nâng cao mức bảo đảm an toàn chống lũ cho hệ thống đê sông, hồ chứa nước xung yếu.
Vùng duyên hải miền Bắc, miền Trung, tập trung nâng cao năng lực ứng phó lũ lớn, bão mạnh và siêu bão; xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp cho lưu vực sông; xử lý công trình hạ tầng (vật kiến trúc, đường giao thông) gây cản trở thoát lũ, tăng ngập lụt.
Vùng Tây Nguyên, xây dựng công trình cấp nước, trữ nước để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Tăng cường giám sát, dự báo nguồn nước; tổ chức vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi để trữ nước ngọt; đẩy mạnh sử dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.
Vùng ĐBSCL, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hoan Nguyễn