Ngày 27/4, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni thông báo, Giáo hoàng Francis sẽ tham gia cuộc thảo luận mở rộng của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) về trí tuệ nhân tạo (AI) khi các nhà lãnh đạo nhóm này gặp nhau trong các ngày 13-15/6 tại Borgo Egnazia, vùng Puglia, miền Nam Italy.

Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tham dự hội nghị thượng đỉnh quốc gia về nhân khẩu học ở Rome vào ngày 26/4. (Nguồn: AP)
Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tham dự hội nghị thượng đỉnh quốc gia về nhân khẩu học ở Rome vào ngày 26/4. Nguồn AP.

Trong một bài đăng kèm theo thông báo video trên X, Thủ tướng Meloni viết: “Đây là lần đầu tiên, một Giáo hoàng tham gia vào hoạt động của G7 và điều này có thể mang lại uy tín cho Italy và toàn bộ G7.

Tôi tin, sự hiện diện của Giáo hoàng sẽ góp phần quyết định vào việc xác định khuôn khổ pháp lý, đạo đức và văn hóa cho AI. Bởi vì, lĩnh vực này - hiện tại và tương lai của công nghệ này - sẽ là một thử nghiệm khác về khả năng của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện điều mà Giáo hoàng John Paul II đã nói đến trong bài phát biểu nổi tiếng của ông trước Liên Hợp quốc vào ngày 2/10/1979 là hoạt động chính trị, dù ở cấp quốc gia hay quốc tế, đều xuất phát từ con người, được thực hiện bởi con người và dành cho con người”.

Giáo hoàng Francis đã dành Thông điệp của mình cho Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 57 vào ngày 1/1 cho Trí tuệ nhân tạo và Hòa bình, kêu gọi nhân loại trau dồi trí tuệ của trái tim.

Thủ tướng Italy Meloni giải thích: “Cam kết của chúng tôi là phát triển các cơ chế quản trị để bảo đảm rằng, trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm và do con người kiểm soát, nghĩa là nó lấy con người làm trung tâm và lấy con người làm mục tiêu cuối cùng”.

Trí tuệ nhân tạo đã thu hút sự chú ý của thế giới nhờ những tiến bộ của các hệ thống tiên tiến như ChatGPT của OpenAI, khiến người dùng choáng váng về khả năng tạo ra văn bản, ảnh và bài hát giống con người.

Nhưng công nghệ này cũng làm dấy lên lo ngại về những rủi ro mà công nghệ đang phát triển nhanh chóng gây ra đối với việc làm, quyền riêng tư và bảo vệ bản quyền và thậm chí cả cuộc sống của con người.

“Đó là một thách thức mà không ai trong chúng ta có thể nghĩ đến việc phải đối mặt một mình và tôi tin rằng điều cần thiết là phải đề cao những gì tốt nhất của sự phản ánh đạo đức và trí tuệ đang phát triển trong lĩnh vực này”, bà Meloni nói một thông điệp ghi hình hôm 26/4.

Người đứng đầu chính phủ Italy cảm ơn Giáo hoàng đã chấp nhận lời mời của Italy và cho biết: “Giáo hoàng sẽ tham gia vào phiên họp cùng các quốc gia được mời chứ không chỉ cho các thành viên của G7”.

Theo baoquocte.vn.