Thực phẩm bẩn - vấn nạn dai dẳng tại TP. Hồ Chí Minh
An toàn thực phẩm luôn là một trong những vấn đề nhức nhối tại TP. Hồ Chí Minh, khi thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn len lỏi vào bữa ăn hàng ngày. Các vụ việc liên quan đến thịt heo ngâm hóa chất, rau củ chứa dư lượng thuốc trừ sâu hay hải sản tẩm ure không còn là chuyện xa lạ. Dù cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, xử lý vi phạm, thực phẩm bẩn vẫn có đất sống nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn và hệ thống kiểm soát chưa thực sự chặt chẽ.
Theo báo cáo của Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, năm 2024 đã kiểm tra 15.769 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Xử lý vi phạm 64 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 812 triệu đồng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2024 số lượng cơ sở kiểm tra tăng 10% so năm 2023.
“Nhìn vào kết quả kiểm tra, số cơ sở vi phạm bị xử phạt chiếm tỷ lệ rất nhỏ, dưới 1%. Điều này nhìn theo cách lạc quan thì tình hình an toàn thực phẩm có tốt hơn. Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì số lượng này vẫn ít, chưa bao quát hết. Nhìn chung Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh chưa có đủ lực lượng, khả năng nhiệm vụ để chặn bắt, phát hiện kịp thời những vi phạm để xử phạt”, bà Lan nói.
Năm 2024, ở TP. Hồ Chí Minh có 5 vụ ngộ độc thực phẩm. Trong đó có 2 vụ ngộ độc bữa ăn gia đình, 2 vụ ngộ độc hàng rong trước cổng trường, 1 vụ ngộ độc tại công ty.
Mới đây nhất, ngày 30/3, Bệnh viện Quận 11 (TP. Hồ Chí Minh) xác nhận đã tiếp nhận 37 trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm, trong đó có 33 học sinh Trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh), hai giáo viên, một tài xế và một bé sáu tuổi là người thân của một thành viên trong đoàn.
Các bệnh nhân nhập viện với triệu chứng đau bụng, nôn ói sau khi ăn bánh mì mua tại một cơ sở ở quận 6.
Trước đó, trong hai ngày 26 - 27/3, hàng chục học sinh thuộc hệ thống giáo dục Tuệ Đức tại TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) cũng có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tại trường. Món ăn nghi ngờ liên quan đến bữa trưa và xế ngày 25/3, sáng 26/3.
Những vụ việc liên tiếp xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong trường học và bữa ăn đường phố. Các cơ quan chức năng đang tích cực kiểm tra, ngăn ngừa nguy cơ tái diễn các vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới.
Thực tế tại các chợ truyền thống TP. Hồ Chí Minh
Khảo sát thực tế tại một số chợ truyền thống như chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), chợ Bình Tây (Quận 6) và chợ Hòa Bình (Quận 5) cho thấy tình trạng thực phẩm bẩn vẫn tồn tại. Tại khu vực thực phẩm tươi sống, nhiều sạp hàng không có nguồn gốc rõ ràng, người bán chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân để đánh giá chất lượng thực phẩm.

Bà Trần Thị Hoa, tiểu thương tại chợ Bà Chiểu, thừa nhận: "Không phải ai cũng biết cách nhận diện thực phẩm sạch. Nhiều khách hàng vẫn chọn mua hàng theo thói quen, chủ yếu dựa vào cảm quan thay vì kiểm tra nguồn gốc."
Trong khi đó, tại chợ Bình Tây, một số tiểu thương cho biết họ nhập hàng từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng không phải lúc nào cũng có giấy tờ chứng minh chất lượng.
"Hàng tươi thì bán chạy, nhưng người mua cũng phải cẩn thận, nhất là với thịt và hải sản. Tốt nhất là nên mua ở sạp quen biết để đảm bảo hơn," ông Nguyễn Văn Hùng, một tiểu thương, chia sẻ.

Tuy nhiên, vẫn có những tiểu thương tuân thủ nguyên tắc kinh doanh thực phẩm sạch. Chị Phạm Thị Mai, bán rau củ tại chợ Hòa Bình, cho biết: "Tôi nhập hàng từ các vườn đạt chuẩn VietGAP, nhưng vì giá cao nên nhiều khách e ngại. Người tiêu dùng cần thay đổi suy nghĩ và ưu tiên thực phẩm sạch dù giá có cao hơn một chút."
Ở góc độ người tiêu dùng, Chị Nguyễn Thị Lan (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: "Mỗi lần đi chợ tôi đều rất lo lắng vì không biết đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn. Thịt cá nhìn tươi ngon, nhưng tôi sợ có hóa chất bảo quản. Rau xanh mướt thì lại lo thuốc trừ sâu. Mua ở siêu thị thì đắt đỏ, mà chưa chắc đã an toàn hơn."
Vai trò của người tiêu dùng trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn
Ngoài việc chọn lựa thực phẩm kỹ lưỡng, người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh cũng đang hình thành các xu hướng tiêu dùng thông minh hơn để bảo vệ sức khỏe. Nhiều người đã chuyển sang mua sắm tại các cửa hàng thực phẩm sạch, hợp tác xã nông sản hoặc đặt hàng qua các nền tảng online uy tín.
Anh Trần Minh Hoàng (quận 3) cho biết: "Tôi thường mua thực phẩm ở các cửa hàng chuyên bán thực phẩm hữu cơ, dù giá cao hơn một chút nhưng cảm thấy yên tâm hơn. Ngoài ra, tôi cũng tham gia vào các nhóm cộng đồng để chia sẻ kinh nghiệm chọn thực phẩm an toàn."

Theo chuyên gia về công nghệ thực phẩm Nguyễn Duy Thịnh khuyến nghị: "Người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng trong việc đẩy lùi thực phẩm bẩn. Nếu mọi người đều ưu tiên thực phẩm an toàn, những đơn vị kinh doanh thực phẩm bẩn sẽ không còn đất sống. Bên cạnh đó, cần chủ động tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm để cơ quan chức năng kịp thời xử lý."
Thực tế, trong những năm gần đây, người dân TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều phản ánh mạnh mẽ về tình trạng thực phẩm bẩn thông qua mạng xã hội, báo chí và các đường dây nóng của cơ quan quản lý. Nhờ đó, nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm đã bị xử lý.

Các chuyên gia cũng đưa ra một số nguyên tắc quan trọng giúp người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn.
Cụ thể, Chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng: Thực phẩm có nhãn mác, chứng nhận từ các cơ quan chức năng như VietGAP, GlobalGAP, OCOP sẽ đáng tin cậy hơn. Không nên mua hàng trôi nổi, không có thông tin xuất xứ.
Quan sát màu sắc và mùi vị: Rau củ có màu sắc quá bắt mắt, không có dấu hiệu héo úa có thể đã bị xử lý hóa chất. Thịt cá có mùi lạ, màu sắc khác thường thường là dấu hiệu của thực phẩm ôi thiu hoặc bị tẩm hóa chất.
Tránh thực phẩm giá quá rẻ: Giá quá thấp so với thị trường là dấu hiệu đáng nghi ngờ. Nhiều loại thịt, cá đông lạnh giá rẻ có thể đã qua xử lý hóa chất để giữ tươi lâu.
Kiểm tra độ tươi sống: Cá còn sống sẽ có mắt trong, vảy sáng bóng, mang đỏ tươi. Thịt tươi có độ đàn hồi tốt, không chảy nước.
Sử dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc: TP. Hồ Chí Minh đã triển khai hệ thống mã QR giúp truy xuất nguồn gốc thịt, rau củ, hải sản tại nhiều siêu thị và chợ đầu mối. Người tiêu dùng có thể tận dụng công nghệ này để kiểm tra thông tin trước khi mua hàng.
Hoàng Bách