Đây là nghị quyết có vị trí đặc biệt quan trọng, chi phối, tác động đến các mục tiêu, tầm nhìn và chiến lược phát triển của đất nước. Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng đã trao đổi với phóng viên về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Trung tướng Nguyễn Đức Hải - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng. Ảnh Báo Tuổi trẻ.
Trung tướng Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng. Ảnh Báo Tuổi trẻ.

Phóng viên: Thưa Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới xác định phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Theo ông, vì sao Đảng ta lại coi đây là một trong những vấn đề mang tính nguyên tắc, quyết định đến sức mạnh bảo vệ Tổ quốc?

Trung tướng Nguyễn Đức Hải: Mục tiêu, đường lối độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giành độc lập mà đi theo con đường tư bản là đi ngược lại ước mơ, nguyện vọng và phủ nhận sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam.

Độc lập dân tộc mà không gắn liền với chủ nghĩa xã hội thì nhân dân không được hưởng một nền dân chủ thực sự và một nền xã hội ổn định. Chúng ta thấy rằng, Đảng ta vẫn luôn kiên trì sự lựa chọn độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường hợp quy luật phát triển của lịch sử Việt Nam, của cách mạng Việt Nam, là một vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta. Đó cũng là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng dao động.

Phóng viên: Trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta xác định có kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Vì sao trong khi xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm trong thời bình, chúng ta vẫn phải có kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, thưa ông?

Trung tướng Nguyễn Đức Hải: Theo tôi, sức mạnh quốc phòng là sức mạnh tổng hợp, bao gồm nhiều yếu tố chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội …Trong đó, kinh tế chỉ là một thành tố. Một số nước hiện nay, phát triển kinh tế rất là mạnh nhưng đất nước vẫn xảy ra chiến tranh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cùng người dân địa phương tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: HỒNG SÁNG
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cùng người dân địa phương tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh HỒNG SÁNG.

Đảng ta nhấn mạnh phải giữ nước từ thời bình, giữ nước từ khi nước chưa nguy, đó là thực hiện nhiệm vụ giữ nước trong điều kiện đất nước xây dựng hòa bình, không phải chỉ khi có chiến tranh thì mới nói đến việc giữ nước. Nhiệm vụ giữ nước luôn gắn liền với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và được thực hiện ngay trong quá trình xây dựng đất nước.

Phóng viên: Trong lịch sử, cha ông chúng ta đã thực hiện kế sách giữ nước từ sớm, từ xa như thế nào, thưa Trung tướng?

Trung tướng Nguyễn Đức Hải: Thượng tướng Trần Quang Khải khi chỉ đạo chuẩn bị kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai năm 1285, ông có nói, Thái Bình nên gắng sức, non nước vững nghìn thu. Rồi vua Lê Thái Tổ cuối đời cũng có lời căn dặn con cháu là, lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy.

Rõ ràng lịch sử dân tộc cho thấy, lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy là tư tưởng chiến lược mang tính chủ động rất cao, đã trở thành một quy luật trong sự nghiệp giữ nước của dân tộc ta, là yếu tố chính trị tinh thần để tạo nên sức mạnh, cả nước đồng lòng. Như vậy khẳng định việc giữ nước từ thời bình là khẳng định một tư tưởng chỉ đạo chiến lược sắc sảo, một giá trị văn hóa giữ nước đặc sắc của dân tộc ta.

Phóng viên: Như vậy là tư tưởng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa chính là chúng ta đã kế thừa và vận dụng bài học kinh nghiệm của các bậc tiền nhân trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc đúng không ạ?

Trung tướng Nguyễn Đức Hải: Đúng thế, trong bối cảnh thế giới đầy biến động, thì việc phòng ngừa nguy cơ chiến tranh xung đột, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa càng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là một quan điểm của Đảng về kế sách giữ nước trong điều kiện như nước ta đang nằm trong sự cạnh tranh chiến lược của các nước lớn.

Trong giai đoạn hiện nay, những vấn đề chúng ta cần tập trung đó là, chủ động để dự báo đánh giá sớm tình hình, xây dựng các kế hoạch bảo vệ Tổ quốc, các giải pháp loại trừ nguy cơ chiến tranh, xây dựng lòng tin chiến lược với các đối tác, bạn bè truyền thống, rồi các nước láng giềng, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng với sự nghiệp quốc phòng…

Đây là những vấn đề quan trọng thể hiện tư duy chiến lược của Đảng về đối sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, để loại trừ nguy cơ chiến tranh, thể hiện tư tưởng lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy của tổ tiên ta vào thời đại Hồ Chí Minh lên một tầm cao mới, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam.

Phóng viên: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là những người làm nên lịch sử, vậy trong tình hình hiện nay, việc phát huy sức mạnh toàn dân có ý nghĩa như thế nào đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thưa Trung tướng Nguyễn Đức Hải?

Trung tướng Nguyễn Đức Hải: Lịch sử dựng nước và giữ nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta đã khẳng định, chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân. Điều đó nói lên rằng, sức mạnh toàn dân là vô cùng to lớn. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục huy động và phát huy sức mạnh của toàn dân, để cùng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần ba nhân tố quan trọng, đó là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, tạo nên kiềng ba chân vững chắc, để góp phần thực hiện các mục tiêu chính trị của đất nước, huy động khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào dân để xây dựng thế trận lòng dân gắn với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc để đáp ứng yêu cầu thời bình và thời chiến.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Trung tướng!