Xuất khẩu sụt giảm kéo sản xuất đi xuống
Tổng cục Thống kê thông tin, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sụt giảm xuất khẩu có sự khác nhau giữa các ngành hàng. Dệt may, da giày, gỗ, thủy sản có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu sụt giảm nhiều nhất. Trong khi đó, cao su, gạo, rau quả, hạt điều... có thị trường xuất khẩu chính là châu Á ít chịu tác động hơn.
Bộ Công Thương ghi nhận, xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ đạt 24,6 tỷ USD, giảm 19,4%; thị trường châu Âu đạt 12,4 tỷ USD, giảm 9,7%; châu Phi giảm 11,2%; thị trường châu Á đạt 38,7 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng cầu giảm sút khiến doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, kéo theo sự sụt giảm sản xuất công nghiệp trong 4 tháng qua. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế giảm 2,1%…
Một số ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất xe có động cơ giảm 8,5%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 9,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 5,1%; dệt giảm 4,9%...
Thực tế, việc thị trường bị thu hẹp khiến sản xuất gặp nhiều khó khăn đã diễn ra từ cuối năm 2022, song diễn biến rất nhanh, vượt mức dự báo. Theo Bộ Công Thương, các yếu tố bên ngoài là nguyên nhân chủ yếu của việc suy giảm sản xuất và xuất khẩu. Cụ thể, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào cao; lạm phát ở nhiều quốc gia; chính sách tiền tệ quốc tế chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm dẫn đến xu thế thắt chặt chi tiêu mua sắm. Trong nước, sức mua còn yếu nên chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn; chi phí đầu vào vẫn cao.
Lời giải trước mắt và lâu dài
Sự đi xuống của kinh tế và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các nước trên thế giới được dự báo còn tiếp diễn, thậm chí có thể gay gắt hơn trong thời gian tới, đang tạo áp lực không nhỏ cho sản xuất và nhiệm vụ thực hiện mục tiêu tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt từ 775 tỷ USD đến 800 tỷ USD trong năm 2023.
Thực tế, hàng loạt giải pháp khai phá điểm nghẽn đầu ra cho sản xuất và xuất khẩu đã được ngành Công Thương tính đến. Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đối với các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, bên cạnh tìm kiếm đơn hàng mới, doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của thị trường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.
Ngoài ra, cần tận dụng các cơ hội từ nguồn vốn đầu tư công, các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng để thúc đẩy sản xuất thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải, cơ khí xây lắp và chế tạo.
Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) nêu giải pháp: “Các địa phương cần tập trung thúc đẩy các dự án lớn thuộc công nghiệp nền tảng, năng lượng, hóa chất, đồng thời tiếp tục kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa”.
Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trần Như Tùng đề xuất Nhà nước giảm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh. Còn trong ngắn hạn, cần tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ vay lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động.
Trước thực tế xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn khiến dòng tiền bị nghẽn, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiến nghị có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, giúp nông dân duy trì sản xuất.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong gợi ý, Nga là thị trường truyền thống, nằm trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu nên rất có lợi thế cho hàng Việt thâm nhập. Ngoài ra, cần tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, loại bỏ những thủ tục, quy định gây khó cho doanh nghiệp.
Cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Bộ Công Thương đang tăng cường đàm phán để ký kết các hiệp định thương mại tự do mới nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo đó, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel đã kết thúc đàm phán và dự kiến ký kết trong năm 2023. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã được khởi động đàm phán; FTA với các nước khối MERCOSUR (bao gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) cũng đang được thúc đẩy.
Các hoạt động xúc tiến thương mại đang được tăng tốc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, hướng đến các thị trường mới, còn tiềm năng, như: Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ Latinh, Đông Âu… Cùng với đó, Bộ Công Thương đang tiếp tục đề xuất các chính sách về vốn vay, thuế, giãn nợ để doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục vụ xuất khẩu.
Lam Giang