Khó khăn về nguồn cung phục vụ sản xuất, thị trường
Chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất như thép và các nguyên phụ liệu trong các ngành sản xuất đồ uống, thực phẩm… Bên cạnh đó, việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp.
Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng tăng rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Giá cước container và vận chuyển bằng tàu biển tăng gấp 3-4 lần, thậm chí gấp 7-8 lần so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và chưa hạ nhiệt đang trở thành một trong những thách thức rất lớn với doanh nghiệp cả ở chiều xuất lẫn nhập khẩu.
Quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể: Các mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bị nhiều địa phương đánh giá không phải là “hàng hóa thiết yếu”, do đó không được vận chuyển, lưu thông, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của rất nhiều doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp;
Việc áp dụng các quy định về phòng dịch, trong đó có yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm Covid-19 đối với các tài xế vận chuyển hàng hóa - đặc biệt là vận chuyển liên tỉnh còn rất phức tạp và không thống nhất giữa các địa phương. Nhiều địa phương yêu cầu tài xế phải có Giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72h hoặc yêu cầu tài xế phải thực hiện cách ly, đổi tài xế trong quá trình vận chuyển…
Những điều này đã phát sinh thêm rất nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp (theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tình trạng trên đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải ít nhất 100 tỷ đồng/ngày); Việc phân luồng giao thông của các địa phương còn chưa hợp lý đã dẫn đến ùn tắc kéo dài tại nhiều cung đường vận tải hàng hóa phục vụ phòng dịch cũng như sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; Ngoài ra, đối với hoạt động logistics phục vụ xuất - nhập khẩu hàng hóa, tại nhiều địa phương và cảng biển còn có tình trạng ách tắc cầu cảng, chi phí dịch vụ cầu cảng, hạ tầng tăng lên rất cao, gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước.
Việc áp dụng phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất. Cụ thể: Các doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp phía Bắc) đang áp dụng phương châm nêu trên gặp nhiều vấn đề phát sinh mới: Điều kiện ăn ở cho công nhân và người lao động không đảm bảo, thời gian sinh hoạt ngoài giờ làm việc nảy sinh nhiều phức tạp và có thể có hệ lụy về mặt tâm lý, an sinh của người lao động khi họ bị tách khỏi gia đình quá lâu, chi phí xét nghiệm tăng cao, thời gian bắt buộc áp dụng phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” có thể kéo dài dẫn đến các bất ổn trong nội bộ doanh nghiệp…
Khác với các doanh nghiệp phía Bắc, phần lớn các doanh nghiệp phía Nam có số lượng lao động nhập cư từ các địa phương khác rất lớn, do đó không đủ điều kiện áp dụng phương châm nêu trên và buộc phải đóng cửa tạm thời. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại. Điều này một phần vừa gây lãng phí thời gian và chi phí chuẩn bị để tái khởi động các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa khiến doanh nghiệp không thể lên kế hoạch về sản xuất, nhân sự… để phục hồi sản xuất trong bối cảnh hàng ngàn lao động nhập cư đang rời khỏi thành phố và các khu công nghiệp để về quê hiện nay.
Việc triển khai tiêm vaccine cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp và các khu công nghiệp chưa được nhất quán và kịp thời.
Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại của các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định như cơ khí, điện tử…Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ của nhà nước về tín dụng, thuế cho doanh nghiệp, an sinh xã hội cho người lao động vẫn còn khó được tiếp cận.
Dự báo trong thời gian tới, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các quy định của nhiều địa phương về giãn cách xã hội, đơn hàng trong nước của nhiều ngành sản xuất như ô tô, cơ khí, thép… sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như điện tử, dệt may và da giày, cùng với đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu cùng với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới. Tuy nhiên, nếu không sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất ngay bây giờ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, và đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.
Nguyên nhân chủ yếu của các khó khăn, vướng mắc
Từ phản ánh của các Hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp, có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu của các khó khăn, vướng mắc hiện nay trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là do không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt.
Các hoạt động logistics, vận chuyển, lưu thông hàng hóa là mạch máu của các hoạt động kinh tế của đất nước, trong đó có các hoạt động sản xuất công nghiệp. Đặc trưng của sản xuất công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính, do đó, khi không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sẽ dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất nội địa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì sản xuất của các doanh nghiệp. Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp sản xuất cũng như chính bản thân các doanh nghiệp logistics và vận tải.
Nguyên nhân chủ yếu của việc gián đoạn quá trình lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong thời gian vừa qua chủ yếu do nhận thức của các địa phương về vai trò của lực lượng lao động trong các ngành vận tải, logistics chưa phù hợp, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của họ trong việc phục vụ lưu thông hàng hóa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, những người lao động trong các ngành vận tải (đặc biệt là các tài xế, nhân viên vận tải liên tỉnh, logistics cảng biển…) đóng vai trò hết sức quan trọng tương tự với các lực lượng tuyến đầu chống dịch (như đội ngũ y bác sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân tuyến đầu phòng chống dịch…). Họ có nhiệm vụ bảo đảm sự liên tục, thông suốt trong cung cấp hàng hóa thiết yếu, vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch cũng như trong việc cung ứng nguyên vật liệu và hàng hóa cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước, từ đó có vai trò then chốt trong việc duy trì hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế.
Do chưa đánh giá đúng vai trò của đội ngũ lao động này, các địa phương chưa ưu tiên thực hiện các chính sách phòng dịch, đặc biệt là việc ưu tiên tiêm vaccine cho họ. Từ đó, dẫn đến các quy trình kiểm dịch rất phức tạp, tốn kém, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
Vì vậy, có thể thấy, đối tượng cần tập trung ưu tiên tiến hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh là đội ngũ lao động, tài xế, phụ xe thực hiện vận tải liên tỉnh và các ngành logistics phục vụ lưu thông hàng hóa, chứ không phải là nhắm vào việc quy định “hàng hóa thiết yếu” để hạn chế lưu thông hàng hóa như hiện nay. Trong trường hợp đội ngũ lao động trong các ngành vận tải – đặc biệt là vận tải liên tỉnh được ưu tiên tiêm vaccine tương tự như các lực lượng tuyến đầu chống dịch, việc kiểm soát dịch bệnh trong quá trình lưu thông hàng hóa sẽ được thuận lợi hóa hơn rất nhiều và sẽ không cần thiết phải có những quy định về hạn chế lưu thông hàng hóa và “hàng hóa thiết yếu” có thể lưu thông như hiện nay.
Bên cạnh đó, một số ngành hàng bị nhiều địa phương đánh giá không phải là “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” cũng đã gây ra rất nhiều khó khăn trong việc cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng, ví dụ các cơ sở chế biến thô tươi sống các sản phẩm chăn nuôi (các lò mổ, lò chế biến thịt gia súc, gia cầm, thủy sản…).
Giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp
Hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, vừa tạo ra của cải vật chất cho xã hội, vừa tạo việc làm cho người lao động. Do đó, duy trì hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chính là góp phần thực hiện mục tiêu vừa tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Trên cơ sở kiến nghị của các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp, theo Bộ Công Thương, cần tiến hành một số giải pháp cấp bách ngay sau đây để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để ổn định kinh tế, phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh:
Thứ nhất là ưu tiên tiêm vaccine:
Bộ Y tế cần xem xét sửa đổi các quy định, hướng dẫn về các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng chống Covid-19, trong đó bổ sung mức ưu tiên đối với các đối tượng sau: Bổ sung đối tượng lao động trong ngành vận tải – đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh và các đối tượng khác trong ngành logistics (như đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu…) là đối tượng ưu tiên tiêm vaccine tại điểm b mục 3 phần III (đối tượng tiêm) của Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021 – 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế (tương đương với lực lượng tuyến đầu chống dịch) nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất. Sửa đổi mức ưu tiên đối với đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất…) trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vaccine theo điểm g mục 3 phần III (đối tượng tiêm) của Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021-2022 ban hành kèm theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động và để doanh nghiệp có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm việc ưu tiên tiêm vaccine đối với các đối tượng trên. Bộ Y tế cần có trách nhiệm giám sát việc tiêm vaccine cho các đối tượng lao động này và có chế tài xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện chỉ đạo nêu trên.
Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ công tác lưu thông, vận chuyển hàng hóa:
Các địa phương cần tùy theo tình hình trên địa bàn để đơn giản hóa các quy định, thủ tục phòng dịch, cụ thể: Đơn giản hóa yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm Covid-19 đối với lực lượng tài xế vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Xem xét gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào địa phương; cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả RT-PCR như nhiều địa phương đang áp dụng; Đối với các đối tượng (lái xe, phụ xe liên tỉnh) đã được tiêm vaccine, cần cho phép kéo dài thời hạn giá trị của kết quả xét nghiệm âm tính đối với Covid-19; áp dụng test nhanh, test gộp (không áp dụng phương pháp RT-PCR) để tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Trong thời gian trước mắt, cần bổ sung một số ngành sản xuất, dịch vụ, mặt hàng vào danh mục “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” như các cơ sở chế biến thực phẩm từ các ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản để tạo điều kiện ổn định lưu thông, sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Sau khi tiến hành tiêm vaccine rộng rãi đối với các đối tượng lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh, cần xem xét nới lỏng và tiến tới bãi bỏ các điều kiện về “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” để thúc đẩy lưu thông, sản xuất và cung ứng hàng hóa trong cả nước.
Thứ ba là các giải pháp khác nhằm bảo đảm ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp:
Xem xét cho phép áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép doanh nghiệp có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng (tuy nhiên vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm theo quy định của pháp luật về lao động) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng ca sản xuất, bảo đảm kịp tiến độ giao hàng - đặc biệt là đối với những đơn hàng xuất khẩu trong các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử.
Các cơ quan nhà nước đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trong đó ưu tiên tiến hành giải quyết và trả kết quả hành chính online, đặc biệt là các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu để tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp.
Thứ tư, có các giải pháp hỗ trợ về tài chính cho các ngành sản xuất, cụ thể:
Các địa phương xem xét miễn, giảm hoặc gia hạn thời hạn tăng tiền thuê đất, thuê hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh; Bộ Tài chính xem xét tiếp tục có các chính sách ân hạn, giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí trong một thời hạn nhất định để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cũng như tiếp tục các chính sách ưu đãi về thuế, phí để kích cầu tiêu dùng trong một số ngành hàng (như chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tại Nghị định số 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ trước đây…); Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tài chính tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp do giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều bị tăng giá do đại dịch khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo thu mua đủ nguồn cung cho doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp phía Nam - với đặc thù sử dụng nhiều lao động nhập cư từ các địa phương khác, chỉ nên yêu cầu thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 địa điểm”, không nên yêu cầu áp dụng phương châm “3 tại chỗ”, trong đó, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh. Đồng thời, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về lộ trình dự kiến phục hồi sản xuất để các doanh nghiệp có kế hoạch về nhân sự, lao động và tài chính để hoạt động trở lại sau dịch.
Minh Anh
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)