Tỉnh Phú Thọ hiện có khoảng 30.000 gia đình có người khuyết tật thuộc hộ nghèo cần được giúp đỡ. Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm tới công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tích cực giải quyết các chế độ, chính sách, tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia học văn hóa, học nghề, tạo việc làm phù hợp, giúp người khuyết tật giảm tự ti, mặc cảm, có cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Quản lý người khuyết tật hiệu quả cao khi kết hợp lao động trị liệu phục hồi chức năng với những việc làm phù hợp
Hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phú Thọ chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có đối tượng là người khuyết tật. Trong năm 2018, đã có 76 người khuyết tật tham gia các lớp học nghề, tạo cơ hội để họ tìm việc làm, có thu nhập.
Ông Hoàng Dương Chiến, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần Phú Thọ (Trung tâm) cho biết, hiện Trung tâm đang chữa trị, chăm sóc và phục hồi chức năng cho hơn 180 bệnh nhân tâm thần, người rối loạn tâm trí và các đối tượng xã hội khác.
“Để tạo cơ hội cho người khuyết tật có nghị lực vươn lên, Trung tâm đã mở nhiều lớp đào tạo nghề như: Đan chiếu trúc, phơi bóc ván gỗ, trồng rau, chăm sóc vườn cây dược liệu… Nhờ đó, từ năm 2014 đến nay Trung tâm đã giúp trên 50 người bệnh tái hòa nhập cộng đồng, tự tin hơn trong cuộc sống”, ông Chiến chia sẻ.
Đôi tay thuần thục đang đan chiếu tại trung tâm, miệng nhoẻn cười, anh Trần Văn Đạo (xã Thu Ngạc, Tân Sơn, Phú Thọ) nói, bị mắc bệnh tâm thân cách đây 20 năm. Từ ngày vào Trung tâm điều trị, được cán bộ tận tụy chăm sóc; cấp phát thuốc uống thuốc đầy đủ, sức khỏe dần dần được phục hồi. Bên cạnh đó, còn được hỗ trợ dạy nghề (đan chiếu trúc, trồng nấm…); đến nay đã làm thành thạo những công việc này.
“Hi vọng, một khoảng thời gian ngắn nữa, khi sức khỏe ổn định và với nghề đan chiếu, trồng nấm, phơi ván… học được ở trung tâm, tôi sẽ trở về với gia đình sum vầy; hòa nhập cùng làng xóm, cộng đồng”, anh Đạo chia sẻ.
Giọng nói khàn khàn, tin tưởng vào một cuộc sống vui vẻ hơn khi sức khỏe của bản thân dần tiến triển tốt, chị Lê Thị Chính (xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng) kể, do áp lực công việc, cuộc sống năm 2006 - bị trầm cảm và được gia đình đưa đến Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần Phú Thọ để điều trị. Đến năm 2016, tình trạng bệnh được cải thiện rất tích cực, được đào tạo nghề đan chiếu trúc thành thạo.
Giám đốc Trung tâm Hoàng Dương Chiến nhấn mạnh: Việc triển khai hiệu quả công tác chăm sóc người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng trong việc thực hiện luật pháp, chính sách đối với người khuyết tật; khơi dậy và phát huy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc.
Đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật được cải thiện đáng kể; nhiều rào cản về môi trường cũng như xã hội đối với người khuyết tật đang từng bước được gỡ bỏ, tạo cơ hội bình đẳng cho họ trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng của mình, tự lực trong cuộc sống.
Ông Chiến cũng cho biết, dạy nghề và hướng dẫn việc làm cho người tâm thần rất khó khăn vì họ thường không tỉnh táo, sẵn sàng tấn công cán bộ. Bên cạnh đó, công tác này gặp phải một số hạn chế như: Thiếu đội ngũ cán bộ làm việc ở các Trung tâm; việc đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế do thiếu kinh phí. Ngoài ra, phần lớn những người khuyết tật việc làm không ổn định, chủ yếu là tự tạo việc làm, làm việc trong các tổ chức cơ sở mang tính nhân đạo từ thiện, ít người tìm được việc làm và làm việc ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp...
Hiện nay, tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần Phú Thọ có 40 cán bộ, trong khi đó phải chăm sóc người cho trên 180 bệnh nhân tâm thần, người rối loạn tâm trí và các đối tượng xã hội khác. Căn cứ theo quy định của Bộ Lao động thương binh và xã hội thì số cán bộ tại Trung tâm còn thiếu rất nhiều, điều này đã gây khó khăn cho những cán bộ chăm sóc và làm việc tại Trung tâm…
Xác định, việc quản lý chăm sóc người bệnh tâm thần ngoài duy trì điều trị bằng hóa dược thì việc phục hồi chức năng bằng lao động trị liệu góp phần rất quan trọng - chiếm 50% quá trình chữa trị bệnh và giúp cho người bệnh ổn định lâu dài có cơ hội hòa nhập cộng đồng bền vững, Trung tâm đã thí điểm và bố trí cho đối tượng tham gia lao động trị liệu với các công việc phù hợp và thời gian lao động hợp lý như: trồng nấm, trồng cây ăn quả, chăm sóc vườn rau, phơi ván bóc và gia công hoàn thiện đan chiếu trúc… “Những việc làm này tuy giá trị về vật chất không cao nhưng giúp người bệnh ổn định về bệnh lý để khôi phục các chức năng bị suy giảm đem lại kết quả khả quan trong điều trị”, ông Chiến nói.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ Bùi Đức Nhẫn cho biết, trong thời gian tới ngoài việc tiếp tục duy trì các hoạt động trị liệu phục hồi chức năng như hiện tại, Sở sẽ kết nối mọi nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhằm tạo việc làm ổn định cho những bệnh nhân đã điều trị ở Trung tâm để giúp họ được tham gia lao động; có một công việc ổn định nhằm đảm bảo cuộc sống và hòa nhập cùng cộng đồng xã hội.
Hoan Nguyễn