Các chuyên gia cho rằng, thị trường khu công nghiệp (KCN) Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tỉ lệ lấp đầy và giá thuê tăng trưởng mạnh.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến cuối năm 2022, các KCN đã thu hút được hơn 11.200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 231 tỷ USD. Cùng với đó là 10.400 dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 2,54 triệu tỷ đồng.

Các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Song, để giữ vững vị thế và đón thêm nhiều dòng vốn FDI mới, nhất là dòng vốn chất lượng cao, Việt Nam cần chú trọng phát triển bền vững và thực hiện cam kết Net Zero.

Thực tế cho thấy, việc thu hút đầu tư phát triển KCN đã bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục. Một trong số đó là chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu. Sự liên kết hợp tác trong KCN và giữa KCN với khu vực bên ngoài còn hạn chế.

Chủ đầu tư các dự án kinh doanh hạ tầng KCN Việt Nam do năng lực tài chính hạn chế, có tâm lý chờ đợi tìm được nhà đầu tư thứ cấp rồi mới đầu tư hạ tầng dùng chung trong KCN. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài lại muốn có mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật ngay thì mới quyết định đầu tư.

Đặt mục tiêu đến năm 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng tới tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 390 - 460 tỷ USD. Cụ thể, vốn trong nước khoảng 2,7 triệu - 3,2 triệu tỷ đồng (tương đương 110-130 tỷ USD), vốn FDI khoảng 280-330 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 300-370 tỷ USD (vốn trong nước đạt 1,5 triệu -2 triệu tỷ đồng, tương đương 60-80 tỷ USD; vốn FDI đạt 240-290 tỷ USD).

Để đạt được các mục tiêu này, theo các chuyên gia, bên cạnh các giải pháp thu hút các dự án đầu tư vào các KCN, nâng tỷ lệ lấp đầy còn thấp như hiện tại, việc tiếp tục đầu tư phát triển các KCN cũng cần ưu tiên.

Theo TS Ngô Công Thành - Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC), trong bối cảnh mới hiện nay, với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, việc Việt Nam chuẩn bị sẵn “đất diễn” cho họ trong triển khai các dự án là một trong những yếu tố tiên quyết.

Bởi vậy, quy mô, mức độ hiện đại và “sạch” của các KCN và hạ tầng liên quan là những thành tố quan trọng để có thể tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư cả trong ngắn và dài hạn. Phát triển các KCN mới phải theo hướng KCN sinh thái và các KCN hiện tại cũng dần phải chuyển đổi thành KCN sinh thái là xu thế tất yếu.

TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết, trong 416 KCN hiện hữu mới chỉ có khoảng chục KCN sinh thái.

Các KCN còn lại chắc chắn phải chuyển đổi. Nhưng khi chuyển đổi doanh nghiệp được gì và quy trình, thủ tục, quyền lợi và trách nhiệm về việc chuyển đổi sang KCN sinh thái như thế nào? Quy định pháp lý về việc sử dụng nước tái chế, sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo hiện chưa rõ ràng, gây khó khăn trong thực hiện dự án.

“KCN sinh thái là xu hướng tất yếu nên doanh nghiệp phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần có hướng dẫn cụ thể và có cơ chế ưu đãi rõ ràng”, ông Lực chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Thành cho rằng, cho đến nay nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái chưa được hướng dẫn cụ thể. Hiện nay mới chỉ có các chính sách ưu đãi chung, áp dụng cho tất cả các loại hình KCN, chưa có chính sách ưu đãi đặc biệt cho phát triển loại hình KCN sinh thái.

Việc triển khai KCN sinh thái rất tốn kém, vì thế, cần phải bổ sung những chính sách ưu đãi cụ thể về tiếp cận đất đai, quy hoạch, nguồn vốn đầu tư và khoa học công nghệ… để tháo gỡ.

Đánh giá về khả năng thu hút FDI vào các KCN ở Việt Nam hiện nay, bà Trang Lê - Trưởng Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Công ty Tư vấn Bất động sản Toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn, đặc biệt là thị trường miền Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu quy chuẩn chất lượng cao và có thiết kế đáp ứng với nhu cầu thật. Đặc biệt là yếu tố phát triển bền vững. Họ có cam kết nhất định trên toàn cầu về yếu tố Net Zero, bảo vệ môi trường.

“Cái cần suy nghĩ và đánh giá kỹ càng để chuẩn bị cho bước tiếp theo nhằm thu hút FDI vào các KCN là những cam kết tăng trưởng và mục tiêu Net Zero carbon năm 2050. Đây là điều Việt Nam đã cam kết với quốc tế trong rất nhiều hiệp định thương mại và đã đến lúc phải thực hiện", đại diện JLL Việt Nam khẳng định.

Trúc Mai